Nước ta là một đất nước lấy ngành nông nghiệp làm chính, luôn được nhắc tới là một nền văn minh lúa nước lâu đời. Đồng thời, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Dưới đây là dàn ý và bài làm chi tiết của .com cung cấp cho các bạn có thể tham khảo về bài thuyết minh về cây lúa.
Dàn ý thuyết minh về cây lúa
I- Mở bài
Giới thiệu tổng quát về cây lúa.
cây lúa gắn bó với người dân Việt Nam từ xa xưa đến nay.
II- Thân bài
Nguồn gốc cây lúa nước Việt Nam
Xuất hiện từ xa xưa, lâu đời và hiện diện khắp dải đất chữ S
2. Đặc điểm cây lúa nước Việt Nam
Lúa thuộc loài thân thảo và là cây tự thụ phấn
Cây lúa được chia làm 3 bộ phận chính: rễ cây, thân cây và phần ngọn
+ Rễ lúa: là rễ chùm, bám chặt vào bùn
+ Thân lúa: mềm, mọc thẳng, cao khoảng 60-80 cm.
+ Phần ngọn: là nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa
Hạt lúa: có vỏ ngoài màu vàng được gọi là vỏ trấu
3. Quá trình hình thành cây lúa
- Hạt lúa giống được ngâm cho nảy mầm
- Sau khi nảy mầm được người nông dân đem đi vãi trên thửa ruộng đợi khi nó lên thành mạ
- Mạ nhú lên sẽ được nhổ để gieo thành từng hàng thẳng tắp
- Chăm sóc, bón phân, diệt sâu bọ để mạ phát triển thành cây lúa và trổ bông-> Lúa chín
- Giai đoạn thu hoạch: Người nông dân gặt lúa, tuốt lúa, phơi khô và đóng vào bì để nơi khô ráo.
4. Vai trò của cây lúa đối với con người
Lương thực xuất hiện hàng ngày trong mâm cơm của mỗi gia đình Việt
Thân lúa sau khi phơi khô được dùng để làm thức ăn cho trâu, bò
Cám gạo làm thức ăn cho gia súc, gia cầm
Lúa là nguồn xuất khẩu lớn của Việt Nam, đem lại nguồn lợi kinh tế cho ngân sách nhà nước. Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu lúa gạo.
Về giá trị tinh thần: là biểu tượng cho tâm hồn con người Việt Nam mềm mại, dẻo dai, cần cù, tinh khiết.
Bài văn thuyết minh về cây lúa
Chẳng biết từ bao giờ cây lúa trở thành nguồn cảm hứng bất tận của biết bao nhà thơ, nhà văn khi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước lâu đời, phát triển từ sớm và cây lúa nước đã xuất hiện và trở thành lương thực chính trong đời sống người Việt từ lúc bấy giờ. Cũng từ đó, hình ảnh cây lúa mộc mạc, bình dị đã trở thành cây công nghiệp gần gũi, gắn bó trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm đến nay.
Quang cảnh cánh đồng lúa
Cây lúa xuất hiện từ xa xưa, khi con người bắt đầu biết tới trồng trọt. Vì vậy, câu hỏi cây lúa có mặt từ bao giờ thì vẫn là một ẩn số và không ai biết được cụ thể thời gian, nguồn gốc ra đời của cây lúa nước. Ở Việt Nam, trải dài từ Bắc vào Nam, dọc theo đường quốc lộ hay ven những ngọn núi, dòng sông, bao giờ ta cũng bắt gặp hình ảnh của những cánh đồng lúa bao la xanh tận chân trời hay thấm đượm màu vàng trù phú.
Lúa thuộc loài thân thảo và là cây tự thụ phấn. Cây lúa được chia làm 3 bộ phận chính gốm rễ cây, thân cây và phần ngọn. Rễ cây cắm sâu xuống lòng đất hút chất dinh dưỡng để nuôi cây phát triển. Rễ của lúa là rễ chùm, bám chặt vào bùn để cho thân lúa được đứng thẳng. Thân cây là cầu nối đưa chất dinh dưỡng từ rễ lên ngọn. Thân lúa mọc thẳng, có nhiều đốt rộng cách nhau khoảng 2-3 cm, cao khoảng 60-80 cm. Thân cây lúa mềm, trong rỗng nên mỗi lần có gió lùa qua thì cả cánh đồng lả lướt tạo thành những con sóng nhấp nhô trên đồng ruộng bao la. Lá lúa được mọc bao quanh và đối xứng xung quanh thân lúa. Lá có phiến dày, mỏng, gân lá chạy song song với phiến lá, mặt lá phủ một lớp lông ráp. Tuỳ vào từng quá trình phát triển mà màu lá cũng thay đổi theo. Cuối cùng ngọn lúa là nơi bông lúa sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Hoa lúa nhỏ nhắn mọc thành chùm dài và cũng chính là hạt lúa sau này. Hạt lúa có vỏ ngoài màu vàng được gọi là vỏ trấu, hơi ráp. Nó bao bọc cho hạt gạo trắng ngần, thơm ngọt ở bên trong.
Hình ảnh cây lúa mùa thu hoạch
Lúa được trồng thành nhiều vụ theo từng miền. Ở miền Bắc, mỗi năm thường có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa còn ở miền Nam thì nhiều hơn là 3 vụ mỗi năm. Để có một bát cơm thơm dẻo thì người nông dân phải qua nhiều công đoạn trồng trọt, chăm sóc mới thu hoạch được hạt gạo trắng, thơm. Đầu tiên, người nông dân phải chọn giống lúa tốt rồi ngâm cho nó nảy mầm, hạt giống có tốt thì khi thu hoạch mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Sau khi thóc nảy mầm, người nông dân sẽ lấy từng nắm giống và vãi ra khắp cánh đồng đã được bừa kĩ càng. Chỉ vài ngày, thóc sẽ nhú lên thành những cây mạ xanh non và sẽ được cấy lại thành từng hàng đều thẳng tắp qua đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo của người nông dân. Những cây mạ non lớn dần và trở nên cứng cáp, xanh tươi mơn mởn. Đây là giai đoạn người nông dân phải chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ để cây lúa có thể phát triển tốt nhất như bón phân, làm cỏ, diệt côn trùng gây hại. Sau một thời gian chăm sóc, cây lúa sẽ trổ đòng rồi chín vàng. Lúa chín, bông lúa vàng trĩu hạt kéo thân lúa sà gần mặt đất như mái tóc óng ả của con gái độ xuân thì. Giờ là đến giai đoạn thu hoạch lúa, hình ảnh các bác nông dân nhấp nhô trên cánh đồng gặt lúa mồ hôi chảy từng dòng nhưng vẫn mỉm cười vì công sức bao tháng ngày đến ngày được thu hoạch. Lúa sẽ được tuốt , phơi khô và đóng vào các bì lớn để ở nơi khô thoáng. Có lẽ vì sự vất vả, khó nhọc ấy mà ca dao xưa đã dệt nên những câu thơ:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Để có được những bát cơm thơm, ngọt, dẻo từng hạt, mỗi chúng ta phải thầm cảm ơn những người nông dân không quản nắng mưa, sớm tối để làm ra hạt gạo trắng ngần.
Nụ cười người nông dân bội thu vụ mùa
Dù ở thời đại nào, lúa cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta.
Hạt gạo nấu thành cơm, là lương thực xuất hiện hàng ngày trong mâm cơm của mỗi gia đình Việt cung cấp một lượng lớn tinh bột để duy trì năng lượng cho con người. Người ta còn dùng để làm bánh chưng, xôi hay nhiều món ăn khác như bún, phở,.. tạo nên một nền ẩm thực đa dạng, phong phú của Việt Nam. Thân lúa sau khi phơi khô được dùng để làm thức ăn cho trâu, bò và ngày xưa người ta cũng hay dùng để lợp mái nhà. Vỏ lúa dùng làm trấu để nhen lửa nấu ăn. Cám được xát từ gạo dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, lúa còn là nguồn xuất khẩu lớn của Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 900000 tấn lúa gạo đưa về nguồn ngân sách lớn cho quốc gia. Vì vậy, Việt Nam còn được các quốc gia khác biết đến là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới. Ngoài giá trị về vật chất, cây lúa nước còn biểu tượng cho tâm hồn con người Việt Nam mềm mại, dẻo dai, cần cù, tinh khiết. Nếu được chọn, tôi sẽ chọn cây lúa là biểu tượng cho nền văn minh, vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam.
Như vậy có thể nói rằng, cây lúa có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt Nam. Cây lúa là người bạn của những người nông dân chân lấm tay bùn, là lương thực không thể thiếu trong bữa cơm gia đình Việt, là giá trị kinh tế quốc gia và nét đẹp con người Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải biết trân trọng những hạt gạo, quý trọng công sức những người đã làm ra nó. Bức tranh quê hương Việt Nam thật đẹp khi được tô điểm bởi những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay.
Mong rằng bài thuyết minh về cây lúa của .com sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho các bạn. Hãy theo dõi fanpage .com để cập nhật nhanh nhất các bài viết hay.
Copyright © 2021 HOCTAP247