Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Thời xưa cũng như nay, thiên nhiên là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các nhà văn, nhà thơ. Nguyễn Duy, một nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ trẻ sau 1975 cũng góp vào mảng thơ thiên nhiên: Ánh trăng. Bài thơ như một lời nhắc nhở về một thời đã qua của người lính gắn bó với thiên nhiên bình dị, hiền hòa, với nghĩa tình đằm thắm sáng trong. Ánh trăng luôn là một biểu tượng gì đó rất là thân quen đối với cuộc sống của người nông dân Việt Nam xưa kia. Từ những câu thơ, câu hát đến ra ngoài đời thực, là một ký ức khó phia  mờ. Tuy nhiên, với sự mọc lên như vũ bão của ánh đèn, tác giả cảm thấy rất bỡ ngỡ, tường chừng như đang lạc vào thế giới khác, kỷ nguyên khác, không còn cảm giác thân quen như trước nữa.
 
Mở đầu bài thơ là hồi ức của người lính khi còn nhỏ với kỉ niệm về cánh đồng xanh, về con sông êm ả và về biển cả mênh mông... Nhưng khi chiến tranh ập đến đã làm thay đổi tất cả. Chàng trai ấy giã từ cuộc sống bình dị chốn làng quê để trở thành người lính. Cuộc sống bây giờ là ở rừng và vầng trăng xuất hiện để chia cho người lính một chút thơ mộng của tuổi thanh xuân, chút dịu êm, hiền hòa của thiên nhiên, vầng trăng hồn nhiên càng lúc càng trở nên quen thuộc, gần gũi để rồi trở thành “tri kỉ”, trở thành tình nghĩa. Đây là nghĩa tình của những đồng đội, đồng chí cùng chiến đấu cho hòa bình như nhà thơ Chính Hữu cũng đã từng có cảm nhận tương tự: “Đầu súng trăng treo”.
 
Nhưng chiến tranh đã đi qua, người lính giã từ núi rừng, trở về thành phố. Và mọi chuyện bắt đầu đổi khác.
 
“Từ hồi về thành phố”, người lính xưa bắt đầu quen sống với những tiện nghi hiện đại như “ánh điện, cửa gương”. Mới mẻ và hấp dẫn, nó đã cuốn hút mọi người bằng những cám dỗ chết người. Người lính quên hết thiên nhiên: sông, biển, đồng, rừng quên cả những gì là thiêng liêng, là tri kỉ, là tình nghĩa. Và vầng trăng giờ đây chỉ là người không quen biết, “một người dưng qua đường”. Câu thơ dửng dưng - lạnh lùng - xa cách, miêu tả một điều gì bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Nhưng khi “đèn điện tắt, phòng tối om” người lính mới chợt nhận ra “vầng trăng tròn”. Trăng vẫn tròn vành vạnh - vẫn thứ ánh sáng huyền diệu, trong ngần. Sự đổi thay của con người không làm vầng trăng cau mặt, trăng vẫn nguyên vẹn nghĩa tình, đầy ắp thủy chung.

Giật mình nhìn lại đoạn đường vừa đi qua đề phát hiện mình vô tình, bạc bẽo, người lính ngửa mặt nhìn lại vầng trăng - một thời quá khứ - một sự đối diện ngậm ngùi.
 
Từ cái đối mặt trực diện với thiên nhiên thì cả cái quá khứ lại ào ạt hiện về nào “là đồng, là bể”, nào “là núi, là rừng” và cả vầng trăng nữa “trăng tròn vành vạnh, trăng im phăng phắc”, không giận hờn trách móc mà chỉ nhìn thôi. Cái nhìn thật sâu như soi tận đáy tim người lính đủ để giật mình nghĩ về cuộc sống trong hòa bình hôm nay. Họ đã quên mất đi chính mình, quên những gì đẹp đẽ, thiêng liêng nhất của quá khứ để chìm đắm trong một cuộc sống xô bồ, phồn hoa mà ít nhiều rồi sẽ mất đi những gì tốt đẹp nhất của chính mình. Ánh trăng “im phăng phắc” như nhắc nhở người lính, nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi người chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tràn đầy, bất diệt. Câu thơ bình dị như lời nhà thơ thì thầm nhắc nhở với chính mình và cũng đồng thời nhắc nhở với chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, hưởng những tiện nghi hiện đại, đừng bao giờ quên công sức đấu tranh cách mạng của biết bao người đi trước.
 
Thơ Nguyễn Duy không hề khai thác cái đẹp của trăng, nhưng ánh trăng trong thơ ông vẫn mãi làm ray rứt người đọc - sự ray rứt về những điều được và mất, nên và không, khi sống trong cuộc đời. Vẻ đẹp ấy mới chính là vẻ đẹp của văn chương cách mạng vĩ thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người mà còn “dạy” ta cách học làm người.

Copyright © 2021 HOCTAP247