I. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT
Tiếng Việt là ngôn ngữ của dân tộc Việt, có nguồn gốc cổ xưa, thuộc họ Nam Á và có quan hệ với các nhóm ngôn ngữ khác ngoài họ Nam Á. Tiếng Việt có quá trình phát triển riêng đầy sức sống gắn với sự trưởng thành mạnh mẽ của tinh thần dân tộc tự cường và tự chủ.
Quá trình phát triển của tiếng Việt chia làm bốn thời kì:
1. Tiếng Việt trong thời kì dựng nước
Thời kì này chứng minh bản sắc của tiếng Việt: vừa là tiếng nói có lịch sử lâu đời, vừa đạt tới một trình độ phát triển cao, do đó nó đã không bị tiếng Hán đồng hoá, trái lại đã vay mượn tiếng Hán hàng loạt yếu tố, nhất là vốn từ, để làm giàu thêm hệ thống của mình.
2. Tiếng Việt dưới thời kì độc lập, tự chủ
- Đây là thời kì ra đời và phát triển của chữ Nôm.
- Chữ Nôm có thể được hình thành từ TK. VIII - TK. IX, được sử dụng vào khoảng TK. X đến TK XIII. Từ TK. XIII đến TK. XV đã có văn viết bằng chữ Nôm, từ TK. XV trở đi, trào lưu văn chương Nôm phát triển và có những bước tiến rõ rệt.
- Nhờ có chữ Nôm, kho từ vựng tiếng Việt tăng lên, giàu có hơn.
3. Tiếng Việt trong thời kì Pháp thuộc
- Đây là giai đoạn đánh dấu sự ra đời và phát triển của chữ quốc ngữ.
- Chữ quốc ngữ do một số giáo sĩ châu Âu sang Việt Nam truyền đạo Thiên Chúa sáng tạo ra để ghi âm tiếng Việt. Trải qua quá trình phát triển chữ quốc ngữ dần dần hoàn thiện. Từ đầu TK. XX nó được dùng rộng rãi trong các lĩnh vực văn hoá, văn học, khoa học - kĩ thuật...
- Thời kì này, không chỉ từ Hán mà nhiều từ gốc Âu cũng được du nhập vào hệ thống tiếng Việt
4. Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay
- Tiếng Việt được mở rộng và hoàn thiện, được dùng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, được dùng để giảng dạy ở nhà trường (mọi cấp học).
Vai trò một ngôn ngữ văn hoá phát triển toàn diện, tiếng Việt phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp giành độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc, trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp.
- Tìm hiểu về lịch sử tiếng Việt để bồi dưỡng lòng tự hào dàn tộc và có ý thức giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt.
II. CHỮ VIẾT CỦA TIẾNG VIỆT
Chữ viết tiếng Việt gồm có chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Chữ Nôm tuy dựa vào chữ Hán, nhưng đã đi xa hơn chữ Hán trên con đường xây dựng chữ viết, thể hiện rõ trong việc lấy phương châm ghi âm là phương thức chủ đạo. Về sau, với sự xuất hiện của chữ quốc ngữ thay thế chữ Nôm là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chữ viết của dân tộc.
LUYỆN TẬP
1. Hãy tìm ví dụ để minh hoạt cho các biện pháp Việt hoá từ ngữ Hán được vay mượn đã nêu trong bài.
Trả lời:
Cần chọn ví dụ ở ngay trong một số bài thuộc các bộ môn khoa học tự nhiên đã học trong chương trình, sau đó tìm các ví dụ phù hợp với ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học đã nêu trong SGK. Như vậy việc giải bài tập này sẽ dễ dàng hơn.
Ví dụ: nam ⟶ trai, nữ ⟶ gái, phụ nữ ⟶ đàn bà, lão phu ⟶ ông già...
2. Anh (chị) cho biết cảm nhận của mình về những ưu điểm của chữ quốc ngữ với tư cách là công cụ phụ trợ của tiếng Việt.
Trả lời:
Học sinh phát biểu những cảm nhận của cá nhân nhưng cần dựa trên một số ý cơ bản sau:
- Chữ quốc ngữ đơn giản về hình thức kết cấu.
- Giữa chữ và âm, giữa cách viết và cách đọc có sự phù hợp ở mức độ khá cao.
- Chỉ cần học thuộc bảng chữ cái và cách ghép vần là cổ thể đọc được tất cả mọi từ trong tiếng Việt.
Trong quá trình phát biểu cần minh hoạ bằng các ví dụ.
3. Hãy tìm thêm ví dụ để minh hoạ cho ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học đã nêu trong bài.
Trả lời:
Trước hết cần thống kê những thuật ngữ có trong một số bài học thuộc các bộ môn khoa học tự nhiên, sau đó tìm các ví dụ phù hợp với ba cách thức đặt thuật ngữ khoa học:
- Phiên âm thuật ngữ khoa học của phương Tây.
- Vay mượn thuật ngữ khoa học - kĩ thuật qua tiếng Trung Quốc và đọc theo âm Hán Việt
- Đặt thuật ngữ thuần Việt (Vùng trời thay cho không phận...).
Copyright © 2021 HOCTAP247