Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Chí khí anh hùng - Truyện Kiều Phân tích bài chí khí anh hùng trong truyện Kiều Nguyễn Du chi tiết

Phân tích bài chí khí anh hùng trong truyện Kiều Nguyễn Du chi tiết

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích bài chí khí anh hùng chi tiết, hay

     Đoạn trích Chí khí anh hùng là đoạn trích khá nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đoạn trích miêu tả cảnh chia tay lưu luyến giữa Từ Hải và Thúy Kiều. Nhưng hơn hết là tập trung làm rõ nhân vật Từ Hải với những chí hướng và khao khát “vùng vẫy bốn phương”. Cùng phân tích bài chí khí anh hùng để làm rõ nghệ thuật và tuyến tâm lý nhân vật trong đoạn trích.

Phân tích bài chí khí anh hùng- CungHocVui

Phân tích bài chí khí anh hùng

 

Mở bài phân tích chí khí anh hùng

     Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc Việt Nam với tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng xuyên suốt nhiều thời đại. Truyện Kiều của Nguyễn Du kể về 15 năm lưu lạc của Kiều, cô gái tài hoa nhưng phận bạc. Xuyên suốt tác phẩm là những biến cố trong cuộc đời Thúy Kiều. Cũng là lời tố cáo hiện thực xã hội đầy bất công đã nhiều lần đẩy Kiều vào chốn cùng cực.

     Thế nhưng, trong cuộc đời của mình Thúy Kiều vẫn có cơ duyên gặp gỡ và chung sống với Từ Hải. Đây là đấng “ Trượng Phu” được Nguyễn Du hết sức trân trọng trong từng câu chữ. Phân tích đoạn trích chí khí anh hùng để làm rõ hình ảnh nhân vật Từ Hải cùng những nét phẩm chất đáng quý từ nhân vật này. Đoạn trích còn gửi gắm giấc mơ và khát vọng công lý ở xã hội lúc bấy giờ.

Xem thêm: 

Thuyết minh Trao duyên truyện Kiều

Dàn ý cảm nhận trao duyên truyện Kiều

Thân bài phân tích chí khí anh hùng

Phân tích bài chí khí anh hùng- CungHocVui

Từ Hải quyết chí ra đi cho thỏa chí lớn

     Đoạn trích “chí khí anh hùng” nằm từ câu 2213 đến 2230 trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nội dung xuyên suốt đoạn trích nói về cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thúy Kiều khi Từ Hải quyết “dứt áo” ra đi hoàn thành mộng lớn.

     Tóm tắt trước đó, sau khi Thúy Kiều rơi vào lầu xanh lần 2 đã có duyên gặp gỡ Từ Hải. Từ Hải đã chuộc thân cho Thúy Kiều, giúp nàng “ trả ân, báo oán”. Hai người đã có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng nhau. Từ Hải không khinh bỉ xuất thân của Thúy Kiều, vẫn luôn tôn trọng và yêu thương nàng hết mực.

Cứ tưởng “giấc mộng xuân” sẽ kéo dài mãi, ấy thế mà:

Nửa năm hương lửa đang nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

     Nguyễn Du dường như đã đặt Từ Hải vào thế khó, khi đang “hương lửa mặn nồng”, nhưng lại “ động lòng bốn phương”. Có lẽ đối với những ai khao khát có được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, sẽ khó “dứt tình” ra đi. 

Phân tích bài chí khí anh hùng- CungHocVui

Cuộc sống giữa Từ Hải và Thúy Kiều đang yên ấm

     Thế nhưng Từ Hải lại khác. Hắn là kẻ “ Trượng phu”, là người có chí khí mạnh mẽ. Đối với hắn, lý tưởng mà hắn hướng tới là sự nghiệp của người anh hùng. Nguyễn Công Trứ đã từng nói:

                               Chí làm trai nam bắc tây đông

                         Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

     Gặp gỡ và kết duyên với Thúy Kiều không phải là đích đến của cuộc đời Từ Hải. Đây chỉ là điểm “ dừng chân” tạm thời trên con đường chinh phục lý tưởng lớn. Một bên là hạnh phúc lứa đôi đang mặn nồng, một bên là giấc mơ lớn bên nào cũng có sức nặng như nhau.

     Và rồi, đấng “Trượng phu” đã không làm chúng ta thất vọng khi quyết tâm “ gác lại” hạnh phúc cá nhân cho giấc mộng lớn. 

                               Trông vời trời bể mênh mang

                         Thanh gươm, yên ngựa, lên đàng, thẳng dong

     Thực ra điều này cũng không hề khó hiểu hay quá bất ngờ. Bởi lẽ với “con ngựa” bất kham như Từ Hải, “sợi dây” yêu thương của Thúy Kiều sẽ không thể nào đủ sức níu giữ.

     Biết không thể giữ chân được Từ Hải, Thúy Kiều đã có những lời nói chân thành:

                               Nàng rằng: phận gái chữ tòng

                         Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi

     Thúy Kiều là người tri kỉ của Từ Hải, nàng không hề “van nài” hay tìm cách giữ chân Từ Hải. Nàng hiểu rõ chí lớn của chồng, nên chỉ xin “ một lòng xin đi”. Nàng xin đi cùng để sát cánh bên Từ Hải, chia ngọt sẻ bùi, hoàn thành nghĩa vụ của người vợ “ xuất giá tòng phu”.

     Tuy hiểu và yêu thương Thúy Kiều, thế nhưng Từ Hải vẫn một mực từ chối bởi lẽ:

                               Từ rằng: tâm phúc tương tri

                         Sao không thoát khỏi nữ nhi thường tình

     Đây là lời “trách móc” đầy yêu thương mà Từ Hải dành cho Thúy Kiều. Nữ nhi đi cùng dễ làm “vướng bận” hành trình. Từ Hải khuyên nàng nên hiểu và vượt qua khó khăn này để xứng đáng là tri kỉ của đấng “ trượng phu”. 

Phân tích bài chí khí anh hùng- CungHocVui

Thúy Kiều tiễn Từ Hải lên đường

     Từ Hải hiểu rõ con đường sắp tới sẽ rất khó khăn và chông gai, sợ rằng “ thân gái dặm trường” như Thúy Kiều khó lòng chịu đựng. Và cũng có thể là sự thương xót cho Thúy Kiều trước sương gió của cuộc hành trình:

                               Bằng nay bốn bể không nhà

                         Theo càng thêm bận ,biết là đi đâu

     Có nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Từ Hải đã chán chê với Thúy Kiều nên “ quất ngựa truy phong”. Có lẽ suy nghĩ này đã quá “ tầm thường” với một người quân tử như Từ Hải. 

     Hoài Thanh đã viết về nhân vật này như sau “ Từ Hải không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng, mà là người của trời đất, của bốn phương”. Trước khi gặp Thúy Kiều, Từ Hải đã nuôi trong mình chí lớn bốn phương. Vậy nên cho dù có gặp gỡ với Thúy Kiều hay không, con đường này Từ Hải vẫn phải đi.

     Tuy mạnh mẽ, dứt khoát là thế, nhưng Từ Hải vẫn luôn dành tình cảm hết mực cho Thúy Kiều. Từ Hải động viên Thúy Kiều:

                               Bao giờ mười vạn tinh binh

                         Tiếng chiêng dậy đất, bóng cây rợp đường

                               Làm cho rõ mặt phi thường

                         Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

     Phân tích bài chí khí anh hùng để thấy Từ Hải đã cho Thúy Kiều thêm hi vọng và động lực để chờ đợi. Đây là lời động viên, cũng là lời hứa hẹn mà Từ Hải trao cho Thúy Kiều. 

     Đối với nhiều người, có khi phải đánh đổi cả đời người cũng chưa chắc chinh phục được đại nghiệp. Thế nhưng Từ Hải rất quả quyết với Thúy Kiều:

                               Bằng nay bốn bể không nhà

                         Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

                               Đành lòng chờ đó ít lâu

                         Chầy chăng là một năm sau vội gì

     Điều gì khiến Từ Hải có thể tự tin đến vậy? “ Chầy chăng là một năm sau vội gì”, đây chắc chắn không phải lời nói cho “qua chuyện”. Mà là sự khẳng định và lòng tin mạnh mẽ của nhân vật. Có lẽ đối với Từ Hải chinh phục nghiệp lớn là điều nằm trong lòng bàn tay.

     Không quá đắm chìm vào khung cảnh chia tay bi lụy, đầy nước mắt hay có gì đó “không đành”. Hành động của Từ Hải lúc này vô cùng dứt khoát:

                               Quyết lời dứt áo ra đi

                         Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi

     Cuộc chia tay đường đột, không báo trước, thái độ dứt khoát lúc chia tay đã khắc họa rõ nhân vật Từ Hải. Tất cả đã tô điểm thêm cho nhân vật này lý tưởng sống của người anh hùng thời đại lúc bấy giờ. Đã đến lúc con chim đại bàng lớn sải cánh bay trên bầu trời rộng lớn.

     Phân tích bài chí khí anh hùng để càng thêm hiểu và nể phục nhân vật Từ Hải. Đây là hình ảnh nhân vật được Nguyễn Du gửi gắm vào đó sức mạnh về “ngọn lửa” công lý đang âm ỉ cháy trong xã hội lúc bấy giờ. 

     Từ Hải ra đi chinh phục giấc mộng lớn là gì? Lật đổ vương quyền lúc bấy giờ? Hay xây dựng cho mình quyền lực riêng? Những điều trên dường như quá “ tầm thường” với kẻ coi nhẹ “quyền lực” như Từ Hải. Có lẽ điều mà Từ Hải đi tìm là công lý, là khát vọng tự do của con người trong xã hội lúc bấy giờ.

     Nguyễn Du đã thành công trong bút pháp xây dựng nhân vật Từ Hải cùng lý tưởng của nhân vật. Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa nên một Từ Hải với phẩm chất và chí khí lớn lao của kẻ anh hùng. Hình tượng Từ Hải đã thực sự thành công và in đậm trong tâm trí của người đọc về tuyến nhân vật đặc biệt này.



 

Copyright © 2021 HOCTAP247