Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Chí khí anh hùng - Truyện Kiều Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng trong truyện Kiều Nguyễn Du

Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng trong truyện Kiều Nguyễn Du

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng trong truyện Kiều của Nguyễn Du

      Nội dung chính của Chí khí anh hùng đã làm nổi bật lên con người của Từ Hải, kèm theo đó là cuộc chia ly lạ thường, không hề mang màu bịn rịn quyến luyến. Và phần nào tư tưởng, tình cảm và sự mâu thuẫn khó giải quyết bằng lời của Nguyễn Du được bộc lộ phần lớn qua nhân vật này. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về điều đó qua phần cảm nhận về đoạn trích Chí khi anh hùng dưới đây .

Hướng dẫn viết bài cảm nhận về đoạn trích chí khí anh hùng

     Con người luôn phải chịu những quy luật bất biến “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” hay Hội ngộ rồi chia ly. Mỗi một giai đoạn cuộc đời đều chan chứa vô vàn cảm xúc và là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà thơ, nhà văn đưa chúng vào thi ca. 

     Ta vẫn biết những cuộc chia ly đã từng được đề cập đến rất nhiều lần trong lịch sử văn học nước nhà như câu ca dao quen thuộc Vầng trăng ai xẻ làm đôi; Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?” đến “Vầng trăng ai xẻ làm đôi; Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Hay gần hơn là Cuộc chia ly màu đỏ của tác giả Nguyễn Mỹ với đầy những giọt nước mắt nóng bỏng, tràn đầy những nuối tiếc của kẻ đi-người ở. 

     Vậy nhưng đó không phải là màu sắc chung của tất cả những lần tạm biệt, bởi còn có Chí khí anh hùng với niềm tin đầy lạc quan và tươi sáng: 

                         Người lên ngựa, kẻ chia bào

                    Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san.

     Nội dung đoạn trích kể về lần từ biệt của Từ Hải và Thúy Kiều trước khi chàng lên đường khởi nghĩa, thuộc phần Gia biến và lưu lạc trên đoạn trường lăm năm. Nàng Kiều vốn được Từ Hải-  một vị anh hùng, đại diện cho lý tưởng, đạo lý công bằng mà tác giả Nguyễn Du gửi gắm khi xây dựng tác phẩm của mình cứu sau lần rơi vào lầu xanh đầy đau đớn thứ hai. 

     Phần nào tư tưởng, tình cảm và sự mâu thuẫn khó giải quyết bằng lời của Nguyễn Du được bộc lộ phần lớn qua nhân vật này. Và sau sự gặp gỡ rất tình cờ và đặc biệt, do tìm thấy sự hòa hợp trong tâm hồn nên Thúy Kiều-Từ Hải đã bén duyên. Giữ họ là sự chân thành, đồng cảm, mọi khoảng trống tâm hồn đều được lấp đầy và san sẻ bằng tình yêu thương. 

     Chính những điều ấy đã tạo nên một cái kết viên mãn mang phần rất cổ tích: 

                         Trai anh hùng gái thuyền quyên

                    Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

     Với sự ưu ái của tác giả, nhân vật Từ Hải chính xác đã được xây dựng theo hình tượng một vị anh hùng lý tưởng. Một người, một ngựa, một gươm, Từ Hải là đại diện cho công lý khi cứu vớt cho dân đen khỏi nghèo khổ, chắp cánh cho những mơ ước và hoài bão trong lòng họ. 

     Sự xuất hiện của nhân vật này đã mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng và đặc biệt về nghệ thuật trong chặng đường số phận của Thúy Kiều. Sự tự do trong quan hệ luyến ái giữa hai giới và quan niệm mới mẻ hoàn toàn tại thời điểm ấy khiến hình tượng Từ Hải trở nên khác biệt: 

                         Một đời được mấy anh hùng

                    Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi

     Lời nói của Từ Hải giản dị nhưng vô cùng chân thành, thể hiện sự trân trọng đối với Thúy Kiều. Nó tế nhị, kín đáo đủ để thổ lộ tình cảm với nàng, lại phá vỡ đi khoảng cách ngàn dặm rất dễ có giữa một vị anh hùng với con người bình thường như Kiều.

     Quả thực phải dành một lời khen cho biệt tài xây dựng, khắc họa tính cách vô cùng đậm nét và rõ ràng của tác giả Nguyễn Du. Hơn bất cứ ai khác trong tác phẩm, ta thấy một Từ Hải khao khát và luôn tranh đấu cho sự tự do của cá nhân và người khác. Sự tự do này vượt qua cả lễ giáo và đạo đức thường tình, nổi loạn đối lập với trật tự chính trị phong kiến. 

     Bởi vậy mới nói rằng hình tượng Từ Hải đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc: Một con người người đã san phẳng những bất bình, bênh vực áp bức bất công bằng nghĩa khí và tài năng cá nhân. Điều này không chỉ phù hợp với nhân vật chính là Thúy Kiều nói riêng mà còn tạo nên cả nội dung phong phú và sâu sắc cho tác phẩm.

     Người anh hùng ấy chẳng màng mà bẻ gãy xiềng xích mà xã hội phong kiến trói buộc con người, sẵn sàng phủ định và chống đối chính quyền của vua chúa. Đối với chàng, không gì có thể so sánh được với tự do: 

                         Chọc trời khuấy nước mặc dầu

                    Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!

     Với khí thế ngang tàng của sự tự do, không phải là cảnh:

                         Áo xiêm ràng buộc lấy nhau

                    Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

     Mà là cái tư thế hiên ngang giữa đất trời, thỏa chí anh hùng:

                         Giang hồ quen thói vẫy vùng

                    Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.

     Ta thấy rằng Từ Hải cũng mang nét nào đó giống tình đầu của Thúy Kiều- Kim Trọng. Chàng có một tâm hồn cao thượng, đượm chất thơ, đi kèm với hình ảnh cây cung và thanh kiếm tạo nên một nét mới trong tính cách. Thế nhưng ở người anh hùng này lại có điểm vô cùng khác biệt và cuốn hút người đọc bởi cái cốt cách của một kẻ ngang tàng, hào phóng.

     Là một nhân vật được Nguyễn Du xây dựng rất lý tưởng đến mức phi thường, ấy vậy mà đứng trước Kiều thì “Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”. Nhưng điều ấy chẳng ngăn nổi những thứ vốn là cốt cách và tư tưởng của chàng, khi mà Từ Hải luôn đứng trên lập trường và lợi ích của cộng đồng. Chính vì vậy mới dẫn đến cớ sự sau: 

                         Nửa năm hương lửa đương nồng

                    Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương,

                         Trông vời trời bể mênh mang,

                    Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

     Từ Hải vốn đang yên ổn trong hạnh phúc yêu đương nồng thắm, tình cảm vợ chồng sâu đậm, tưởng không gì có thể ngăn cách. Ấy vậy nhưng những điều ấy chẳng thể khiến chàng quên đi nghiệp lớn, chí làm trai mà theo như Nguyễn Công Trứ thì: 

                         Chí làm trai nam bắc tây đông

                    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

     Tính cách của chàng vốn là một thể nhất quán, liều lĩnh và sẵn sàng chiến đấu vì chính nghĩa, đầu đội trời chân đạp đất. Từ Hải dứt áo ra đi vô cùng dứt khoát, không hề mang chút vấn vương bịn rịn như cảnh Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều, không có lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

     Trong đoạn trích này, Từ Hải đại diện cho một vị đại trượng phu ra đi với sứ mệnh và trọng trách của thời đại, hòa mình giữa không gian bao la rộng lớn. Tầm vóc to lớn trong tư tưởng của chàng sánh ngang với trời bể, xứng danh một vị anh hùng: thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

     Chỉ mới bốn câu thơ thôi Nguyễn Du đã khắc hoạ một nhân vật, người anh hùng bằng xương bằng thịt. Ngôn ngữ được sử dụng vô cùng phù hợp với đầy sự kính phục và trân trọng, kết hợp cùng cách miêu tả từ không gian, thời gian được mở rộng như để phù hợp với khí phách của nhân vật. 

     Trước lời nói của thê tử, chàng ra đi không chút động lòng hay mềm yếu: 

                         Nàng rằng: phận gái chữ tòng.

                    Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

     Là một người sâu sắc, nhưng Kiều cũng chẳng thoát khỏi phu- thê quyến luyến. Nhưng bởi Từ Hải là Từ Hải, một vị anh hùng với tư tưởng tự do và tiến bộ nên với chàng điều ấy chẳng cần thiết bằng việc hai người đã hiểu rõ lòng dạ của nhau một cách sâu sắc.

                          Bao giờ mười vạn tinh binh

                    Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường

                         Làm cho rõ mặt phi thường

                    Bây giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

                         Quyết lời dứt áo ra đi,

                    Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.

     Hình con chim bằng được lấy từ điển tích từ truyện ngụ ngôn kể rằng chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cho những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn. Nguyễn Du đã ví Từ Hải như là con chim bằng đã đến lúc tung cánh bay lên cùng gió mây.

     Cuộc sống của chàng như con chim ấy, luôn khao khát sự tự do của không trung, được thỏa sức vẫy vùng. Một không gian nhỏ bé, tù túng làm sao có thể gian giữ được Từ Hải?

     Chàng mạnh mẽ từ trong từng hành động, ngôn ngữ và cử chỉ, mọi thứ đều vô cùng dứt khoát: thoắt đã, thẳng rong, sao chưa thoát khỏi, dậy đất, phi thường, vội gì, quyết lời dứt áo ra đi, đã lìa.. Ngoài ra thêm các từ chữ Hán để bộc lộ tư tưởng tình cảm của tác giả, rồi dùng điển cố, điển tích... và cả xây dựng thời gian, không gian mở: nửa năm, bốn phương, trời bể mênh mang, bằng tiện…

     Hình tượng Từ Hải được xây dựng cũng giống như muôn vàn vị anh hùng mà nhân dân ta mơ ước khi xưa, với sự xuất hiện sẽ giúp họ thoát khỏi áp bức bóc lột của giai cấp thống trị. Và điều này được thể hiện một cách xuất sắc ở các chi tiết trong cuộc chia ly và toàn bộ phần cảm nhận chí khí anh hùng của Từ Hải.

Copyright © 2021 HOCTAP247