Trang chủ Lớp 11 Soạn văn Lớp 11 SGK Cũ Viết bài làm văn số 3: Nghị luận văn học Hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

Hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích và so sánh hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

Hướng dẫn giải

    Bài thơ cùng tên của hai nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi – Đất nước là những bài thơ hay, xuất sắc, để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc, về cách mà các nhà thơ khái quát hình tượng đất nước. Bằng tài năng và sự nghiêm cứu, chiêm nghiệm của mình mỗi nhà thơ có những phát hiện riêng, để hoàn chỉnh hình tượng đất nước.

    Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, hình tượng đất nước được tác giả tìm tòi, khám phá trên nhiều phương diện, trải qua nhiều thời gian lịch sử khác nhau. Để nói về sự hình thành của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đi tìm về mạch nguồn văn hóa, trong chín câu thơ đầu, ông tập trung đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “đất nước có từ bao giờ?”. Cách lí giải của ông rất lạ và độc đáo, đất nước có từ miếng trầu bà ăn, chỉ bằng một miếng trầu nhỏ bé, bình dị nhưng lại là minh chứng rõ ràng cho nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc. Bằng sự lí giải riêng đậm chất văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định, đất nước chỉ thực sự hình thành khi có một nền văn hóa riêng. Tiếp tục mạch nguồn đó, ông đi tìm quá trình đất nước lớn lên:

    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

    Tóc mẹ thì bới sau đầu

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Cái kèo cái cột thành tên

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sáng

    Đất Nước có từ ngày đó

    Tác giả đã điểm rất nhanh những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, quá trình đấu tranh bền bỉ của cha anh, đã khái quát lại chính xác và đầy tự hào về sự hình thành của đất nước. Ẩn đằng sau câu thơ là niềm tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc.

    Để tiếp tục làm rõ khái niệm, hình tượng về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát diện mạo đất nước trên phương diện địa lí. Đất nước là nơi hết sức thân thuộc, là nơi anh đến trường, là nơi em tắm, nó chính là nơi mà chúng ta sinh sống hàng ngày, là không gian sinh hoạt gần gũi, quen thuộc của con người. Không dừng lại ở đó, đất nước của là nơi: “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”“con cá ngư ông móng nước biển khơi” câu thơ cho ta thấy, đất nước còn là không gian rừng vàng bể bạc, giàu có. Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, đất nước còn là nơi “chim về” nơi “rồng ở” gắn với truyền thuyết về sự ra đời của con người Việt Nam. Câu thơ đã khẳng định, đất nước còn là không gian sinh tồn của một dân tộc có nguồn gốc cao quý.

    Không dừng lại ở đó, Nguyễn Khoa Điềm còn phát hiện ra chất keo kết dính để tạo nên một đất nước hoàn chỉnh, đó chính là tình yêu. Tình yêu trước hết là tình yêu nam nữ, tình yêu nhỏ bé. Nhưng lớn hơn chính là tình yêu cộng đồng, tập thể, sự gắn bó keo sơn, đoàn kết của con người tạo nên một khối thống nhất vững vàng, không gì có thể lay chuyển được. Như vậy, hình tượng đất nước trong tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm là một thực thể thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cái cá nhân với cộng đồng. Chỉ khi có sự hòa quyện thực thụ này thì đất nước mới có thể tồn tại vững bền.

    Trong phần thơ thứ hai, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục khắc rõ hơn nữa hình tượng đất nước:

    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

   

    Những người dần nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

    Đoạn thơ đã liệt kê hàng loạt địa danh, trải dài từ Bắc đến Nam, những địa danh này có cái là danh lam thắng cảnh có cái lại chỉ là tên làng bình dị, mộc mạc. Ông đã trở thành người thợ vẽ bản đồ - một tấm bản đồ bằng thơ để cho thấy sự thống nhất, toàn vẹn của đất nước. Đồng thời những địa danh này còn gắn với những cảnh ngộ, số phận của người dân, những con người bình dị, vô danh. Điệp từ “góp nên” là lời khẳng định sâu sắc nhất đất nước chính là do nhân dân tạo ra, đất nước là sự hóa thân thiêng liêng của nhân dân. Ở đoạn thơ tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm nhìn đất nước trên phương diện lịch sử, để thấy được những con người vô danh đã làm nên đất nước: “Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/…/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Chính họ những con người bình dị, vô danh đã ngã xuống đem hòa bình cho dân tộc; lại cũng chính những con người ấy đã gây dựng, lưu giữ và truyền lại phong tục tập quán cho thế hệ sau.

    Như vậy, hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự tổng hòa của bề dày lịch sử, không gian địa lí và quan trọng nhất đất nước được kết tinh từ văn hóa, phong tục tập quán lâu đời. Đây là những phát hiện mới mẻ, và đã làm nổi bật được tư tưởng đất nước nhân dân trong thơ ông.

    Nếu như Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mang đậm màu sắc dân gian, thì Đất Nước của Nguyễn Đình Thi lại giàu chất hiện đại. Bài thơ mở đầu mùa thu trong sáng, mùa thu gắn liền với sự thành công của cách mạng, với hình ảnh đặc trưng của đất nước:

    Những cánh đồng thơm ngát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng song đỏ nặng phù sa

    Và đất nước còn hiện lên với truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần quật khởi ấy lại trở nên sôi nổi, mạnh mẽ, “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh): “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng về”.

    Ở phần thơ tiếp theo, đất nước được Nguyễn Đình Thi tái hiện trên hai phương diện tưởng chừng là đối lập nhưng thực chất lại rất hài hòa với nhau: đó là một đất nước đầy đau thương, mất mát, với một đất nước kiên cường, quật khởi.

    Trong những năm kháng chiến, đất nước hiện lên với những đau thương mất mát, biết bao người đã ngã xuống: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đêm nát trời chiều” đã tố cáo đầy đủ tội ác của giặc. Nhưng đồng thời đất nước đó cũng hết sức anh dũng, kiên cường: “Xiềng xích chúng bay không khoa được/…/ Lòng dân yêu nước thương nhà”. Tinh thần quật khởi, và lòng yêu nước nồng nàn là động lực to lớn để họ đứng dậy đấu tranh giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Đặc biệt trong hình ảnh: “Súng nổ rung trời giận dữ/…/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một bức tranh dữ dội, vừa hoành tráng đã khái quát đầy đủ nhất chiến công vang dội của dân tộc, là bước ngoặt chuyển mình của đất nước, từ thân phận nô lệ, đau thương trở nên mạnh mẽ, tỏa sáng, làm chủ vận mệnh của mình.

    Hai hình tượng đất nước đều được xây dựng trên cơ sở tình cảm, cảm xúc chân thành, mãnh liệt của hai tác giả. Bài thơ thể hiện niềm tự hào sâu sắc của hai ông, cùng với đó là những nhận thức thấm thía về quá trình đấu tranh của dân tộc. Bên cạnh những điểm tương đồng, hình tượng đất nước trong hai bài vẫn mang những nét khác biệt. Nếu như đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đi sâu vào chất dân gian, chiều sâu văn hóa và trên phương diện địa lí, lịch sử; thì đất nước của Nguyễn Đình Thi lại đậm đà chất hiện đại. Nguyễn Đình Thi khắc họa đất nước với hai nét nổi bật vừa trái ngược, vừa hài hòa với nhau; còn Nguyễn Khoa điềm lại đi sâu vào những hình ảnh dân tộc với việc nối liền quá khứ và tương lai. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Khoa Điềm là niềm tin vào bản sắc văn hóa dân tộc, còn Nguyễn Đình Thi niềm tin hướng đến tương lai.

    Có sự khác biệt giữa cách xây dựng hình tượng đất nước là do, hai tác phẩm được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau. Hơn nữa do đặc trưng phong cách của mỗi nhà thơ là sự khác nhau. Đồng thời sáng tạo nghệ thuật là một hành trình đổi mới, sáng tạo, không lặp lại chính mình và người khác. Bởi vậy, cùng với một chất liệu nhưng mỗi nhà thơ lại có những sáng tạo riêng.

    Bằng tài năng và phong cách thơ độc đáo, không hòa lẫn, cả hai nhà thơ đã xây dựng lên hình tượng đất nước xuất sắc. Ở mỗi tác phẩm đem đến cho người đọc những phát hiện, những vẻ đẹp đa diện, đa chiều của đất nước, để từ đó hoàn chỉnh hơn chân dung, hình tượng đất nước. Qua hai tác phẩm này ta cũng thấy được tài năng nghệ thuất xuất sắc của hai tác giả.

Copyright © 2021 HOCTAP247