Đề bài: Phân tích diễn biến tâm lí chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ: Chị Dậu có thể nhẫn nhịn chịu đựng nhưng khi bị đẩy đến bước đường cùng thì cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt, thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.
Văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945 có những cây bút đỉnh cao viết về đề tài người nông dân như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan và một trong những gương mặt tiêu biểu ấy ta không thể không nhắc đến Ngô Tất Tố với tác phẩm Tắt đèn. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng chị Dậu, người nông dân có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, khi bị dồn đến bước đường cùng sẽ vùng lên đấu tranh. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống mạnh mẽ của chị.
Hoàn cảnh gia đình chị Dậu lúc bấy giờ hết sức đáng thương. Gia đình nghèo nàn, là hạng cùng đinh nhất trong những nhà cùng đinh. Chạy chọt để đủ tiền sưu cho chồng đã cả là một nỗ lực phi thường của chị Dậu, nhưng nay phần sưu của người em đã mất cũng phải nộp đã khiến gia cảnh của chị càng cùng túng, quẫn bách hơn.
Đoạn trích mở đầu bằng cảnh anh Dậu từ ngoài đình trở về, thân mình tàn tạ, còn chị Dậu tất tưởi nấu cháo cho chồng. Để làm rõ tính cách của nhân vật, Ngô Tất Tố đã đặt nhân vật vào tình huống điển hình, đầy thử thách: một người đàn bà chân yếu tay mềm, thân phận hèn mọn, sẽ phải làm gì để đối phó lại với bọn chính quyền tay sai độc ác, hung hãn.
Trong hoàn cảnh gia đình đang vô cùng đáng thương như vậy, anh Dậu vừa kề vào miệng bát cháo thì lũ tay sai sầm sập tiến vào. Anh Dậu sợ hãi, lăn đùng ra ngất, không nói được câu gì. Để lại người đàn bà cùng những đứa con nheo nhóc chiến đấu lại lũ tay sai hung hăng.
Tự chị Dậu biết mình đang thiếu sưu, tức chị tự đặt mình là kẻ có tội, bởi vậy ban đầu chị hết sức van xin, mong cho chúng sẽ tha cho gia đình mình. Hành động van xin ấy không phải là một tinh thàn hèn nhát, yếu đuối mà là con người hiểu chuyện. Chị hiểu rõ tình cảnh của gia đình mình, dù sao vẫn là kẻ thiếu sưu nhà nước, còn những kẻ kia chỉ đang thi hành công vụ. Đặc biệt chị còn hiểu thân mình chỉ là củ khoai cái kiến, chống lại tức là làm hại đến thân và cả gia đình. Lời van nài khẩn thiết của chị cũng là mong những người thi hành kia còn chút lương tri mà tha cho hoàn cảnh éo le của gia đình chị.
Nhưng mọi lời van xin, mọi lời khẩn cầu của chị đều trở nên vô ích, khi chẳng những tên cai lệ không tha mà còn có những hành động hết sức dã man, những lời nói tục tĩu: mày nói cho cha mày nghe đấy à?; Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi, chửi mắng thôi à!; hắn sẵn sàng bịch vào ngực chị Dậu và cố nhảy xổ ra để trói bằng được anh Dậu.
Đến lúc này, chị không còn cách nào khác là chống cự, sự phản kháng đầu tiên của chị là ở lời nói: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ” . Ta nhận thấy rằng trong lời nói của chị không còn là ông – con, mà đã chuyển sang xưng ông – tôi, tức trong tư thế ngang hàng. Chị đưa ra lí lẽ, đạo lí ứng xử của một con người để đấu lí với tên cái lệ độc ác. Nhưng sự độc ác, bất nhân trong tên cai lệ không thèm đếm xỉa gì đến chị, hắn ta sẵn sàng tiến lên một bước, đánh cái bốp vào mặt người phụ nữ nông dân hiền lành. Và ngay lập tức định bắt trói anh Dậu lôi ra đình. Và đến lúc này, chị Dậu đã không còn nín nhịn, nhún nhường nữa mà vung lên, bằng lời lẽ vô cùng căm phẫn:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem
Lời nói đầy thách thức, cảnh cáo tên cai lệ hãy dừng lại ngay sự độc ác, thú tính của mình. Đồng thời cũng cho thấy bản lĩnh của người phụ nữ có sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Có lẽ trong văn học đương thời chưa có một người phụ nữ nào ngang tàng, bản lĩnh đến như vậy. Và tột cùng của sự căm giận, chị đã xông vào đánh nhau với tên cai lệ. Với sức khỏe của người đàn bà lực điền, chị nhanh chóng hạ gục tên cai lệ lẻo khẻo ngã chổng qèo giữa sân. Sự chống trả quyết liệt của chị Dậu đã cho thấy quy luật của cuộc sống, tức nước ắt sẽ vỡ bờ, khi bị dồn đến bước đường cùng bất cứ ai cũng sẽ vùng lên để giải phóng chính mình. Mặc dù cội nguồn của hành động đó xuất phát từ tình yêu thương chồng con, nhưng nó đã phần nào cho thấy sức mạnh phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt cho chị Dậu nói riêng và người nông dân nói chung.
Bằng ngòi bút phân tích và miêu tả tâm lí xuân sắc, Ngô Tất Tố đã cho thấy sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Sức sống, sự phản kháng ấy chính là mầm mống cho ngọn lửa đấu tranh giành độc lập sau này. Quả đúng như một nhà văn đã nhận xét: Viết Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã xui người nông dân nổi loạn.
Copyright © 2021 HOCTAP247