Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Viết bài tập làm văn số 7 - Văn nghị luận Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Giải thích câu nói Có tài mà không có đức là người vô dụng

Hướng dẫn giải

    Trong cuộc sống hiện tại đòi hỏi chúng ta phải không ngừng trau dồi, rèn luyện bản thân. Không chỉ rèn luyện, trau dồi về mặt tri thức mà phải tu dưỡng cả về phương diện đạo đức, để trở thành một con người toàn diện. Nói về vấn đề này, sinh thời Bác Hồ đã từng đúc kết rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” . Trải qua biết bao năm nhưng câu nói của Bác vẫn còn giữ nguyên giá trị.

    Tài chính là cái vốn có, thiên bẩm tồn tại ở mỗi con người. Tài này chỉ nổi bật ở một phương diện nào đó. Bên cạnh đó cũng cần khẳng định rằng, tài đôi khi là tự thân nhưng cũng có thể do học tập, rèn luyện mà nên. Trong câu nói của Bác tài còn có thể hiểu là có tri thức, có học vẫn, kĩ năng. Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tài năng, mà phải là tài năng một cách thuần thục để hoàn thành tốt những công việc được giao.

    Còn đức có thể hiểu là những phẩm chất, nhân cách, những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị con người. Trong câu nói của Bác đức còn có nghĩa là phải hết lòng phục vụ quần chúng, có tư cách đạo đức tốt đẹp, biết ứng xử có văn hóa, dám đứng lên chống lại những sai trái, đem đến cuộc sống tự do, bình đẳng cho mọi người.

    Hai phẩm chất này là hai phẩm chất cốt yếu, cần có ở mỗi cá nhân. Mà thiếu đi phẩm chất nào cũng trở thành khuyết thiếu, không hoàn chỉnh. Bởi vậy mỗi chúng ta không chỉ cần học tập giỏi mà còn phải là người sống có văn hóa, được thể hiện qua quá trình tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của bản thân.

    Vậy tại sao có tài mà không có đức lại là kẻ vô dụng. Bởi, khi chúng ta mang trong mình một tài năng đặc biệt nào đó, nhưng lại giấu diếm, không mang tài năng đó ra phục vụ cộng đồng, nhân dân đất nước chẳng phải là rất uống phí đó sao. Hơn nữa, khi không đem năng lực, tài năng của bản thân để phục vụ mọi người là hành vi hết sức ích kỉ, xấu xa, có tội với bản thân và những người xung quanh. Đó chính là những con người sống không có đạo đức. Điều này còn đáng sợ hơn cả việc có đức mà không có tài. Hãy cứ thử tưởng tượng xem một người cán bộ cốt cán, năng lực có thừa nhưng lại không sử dụng năng lực đó để làm cuộc sống nhân dân trở nên hạnh phúc ấm no hơn, mà chỉ biết vét cho đầy túi tham, khiến cuộc sống nhân dân ngày càng đói khổ. Vậy, phỏng tài năng ấy có được để làm gì? Chỉ làm hại cho dân cho nước mà thôi.

    Trái lại, những người chỉ có đức mà không có tài thì làm bất cứ việc gì trong cuộc sống cũng chật vật và gặp vô vàn khó khăn. Trong xã hội khoa học công nghệ hiện đại, thế giới thay đổi từng ngày, con người phải không ngừng tu dưỡng, bồi đắp thêm tri thức cho mình. Để tăng cường sự nhạy bén trong công việc thì nếu chỉ có đức thôi thì cũng vô ích. Công việc sẽ bị đình đốn, gây thiệt hại cho bản thân và cho nơi mình làm việc. Như vậy, có thể thấy rằng, người chỉ có đức mà không có tài thì sẽ khó làm được tốt các công việc, những ý định, hành động tốt đẹp cũng đều trở thành phá hoại.

    Đức và tài là hai yếu tố tao nên giá trị của mỗi con người. chúng có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó khăng khít với nhau. Tài đem lại hiệu quả, năng suất lao động cao, còn đức lại làm cho công việc suôn sẻ, đem đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Không yếu tố nào quyết định yếu tố nào, mà chúng song song tồn tại với nhau, để tạo nên những giá trị sống đích thực.

    Thấm nhuần lời dạy bảo của Bác, thế hẹ trẻ - tương lai của đất nước, phải tích cực học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Mỗi học sinh cần xác định mục tiêu học tập đúng đắn, phương hướng cho tương lai và có ý chí quyết tâm để thực hiện những mục tiêu mình đã đề ra. Bên cạnh đó cũng phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân, để không chỉ là một người giỏi, mà phải là người có ích cho xã hội. Chỉ khi ấy, lớp lớp thanh niên mới trở thành lực lượng thực thụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

    Hiểu được vai trò, tâm quan trọng của rèn luyện tài và đức, chúng ta cần nỗ lực cố gắng hơn nữa. bởi không ai khác mà chính chúng ta sẽ là thế hệ tương lai tiếp bước xây dựng đất nước. Vì một Việt Nam hùng mạnh, vì quê hương yêu dấu, các bạn trẻ đừng xao lãng việc học, mà hãy chăm chỉ học tập để sau này cống hiến cho quê hương, đất nước.

Copyright © 2021 HOCTAP247