Đề bài: Phân tích Hoàng lê nhất thống chí.
Văn học trung đại Việt Nam khi nhắc đến thể chí không thể không nhắc đến tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Tác phẩm không chỉ là một mẫu mực của thể loại, mà cùng với ngòi bút chân thực sắc sảo đã cho hậu thế thấy được bản lĩnh của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, cùng sự thất bại thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống và quân Thanh. Điều này đã được phản ánh rõ nét trong hồi thứ mười bốn của tác phẩm này.
Tác phẩm viết theo thể “chí”: một thể văn cổ ghi chép sự vật, sự việc, vừa có tính chất văn học, vừa có tính chất lịch sử. (Đây thực chất là một tiểu thuyết lịch sử, viết theo lối tiểu thuyết chương hồi.) Tác phẩm gồm 17 hồi, 7 hồi đầu do Ngô Thì Chí viết, 7 hồi tiếp theo do Ngô Thì Du viết, 3 hồi còn lại do người khác viết. Tác phẩm được viết ở nhiều thời điểm nối tiếp nhau từ giai đoạn cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn. Đó là thời kì thống nhất đất nước thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh. Đoạn trích là Hồi thứ 14: Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận, bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài. Văn bản là lời ca ngợi chiến thắng lẫy lừng của của Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn và sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh, bè lũ Lê Chiêu Thống.
Mở đầu đoạn trích là sự xuất hiện của Nguyễn Huệ. Ngược về những phần trước, có thể thấy Nguyễn Huệ được miêu tả hết sức tài năng, lẫm liệt: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện dũng mãnh lại có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường hết” . Chỉ bằng những lời hết sức ngắn gọn của người hầu gái trong cung vua ta đã phần nào nhận thấy tài năng hơn người của Nguyễn Huệ.
Quân Thanh kéo vào Thăng Long, bành chướng thế lực, nghe được tin đó Nguyễn Huệ hết sức tức giận, định cầm quân đi tiêu diệt ngay lũ nghịch thù. Nhưng nghe theo lời khuyên của các tướng sĩ, tại núi Bân ông đã tế cáo trời đất lên làm vua, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lệnh xuất quân đi ngay. Việc Nguyễn Huệ lên ngôi vua đã tạo nên cơ sở vững chắc cả về tình và lí, qua đó thấy được tài năng của ông. Dù là người tài năng xuất chúng nhưng ông cũng rất biết lắng nghe ý kiến người khác, cân nhắc kĩ lưỡng trong mọi hành động.
Tài năng cầm quân, thiên tài quân sự trong ông được chứng minh qua cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long. Ông lựa thời cơ là những ngày giáp tết Nguyên Đán, khi kẻ địch đang mải mê trên chiến thắng, lo chuyện ăn chơi hưởng lạc, không phòng bị để tiêu diệt chúng. Vừa đi ông vừa chiêu mộ quân sĩ, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi Nguyễn Huệ cùng đội quân của mình đã ra đến Bắc Hà. Trước khi chuẩn bị tiến đánh, trong bài dụ của mình ông đã khích lệ lòng yêu nước, lòng căm thù giặc cho tương sĩ: “Người phương Bắc không phải giống nòi nước ta bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc ta, giết hại nhân dân ta, vơ vét của cải người minh không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi […] dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc” . Đọc lời dụ của ông ta không khỏi nhớ đến bài Hịch tướng sĩ hào hùng của Trần Quốc Tuấn, lời dụ của ông cũng có sức thuyết phục không kém.
Trong cách dùng người, Nguyễn Huệ cũng tỏ ra là người hết sức xuất sắc. Ông nhận thấy được điểm yếu của mình, Sở và Lân chỉ là kẻ hữu dũng, vô mưu bởi vậy ông để lại Ngô Thì Nhậm mưu lược hơn người. Và quả nhiên nhìn nhận của ông hoàn toàn chính xác. Ngô Thì Nhậm phát huy bản thân, “biết nín nhịn để tránh mũi nhọn” của kẻ thù, tránh tổn thất cho quân ta. Đồng thời cũng không trách mắng Sở và Lân. Bên cạnh đó, ta cũng thấy ông là người có tâm nhìn xa trông trộng, dự đoán chính xác khả năng chiến thắng của ta và tiên liệu những công việc ngoại giao cần làm sau chiến thắng. Ông cử Ngô Thì Nhậm, khéo ăn khéo léo để thương thuyết với kẻ thù, để nhân dân ta nghỉ sức, xây dựng đất nước. Ông quả là một vị vua vừa có tâm lại vừa có tầm. Đẹp đẽ nhất là khung cảnh Quang Trung lâm trận, uy nghi, khí thế bừng bừng, một mình một mũi tiến quân, tiêu diệt quân giặc. Với tinh thần tôn trọng lịch sử, sự ngưỡng mộ, lòng khâm phục chân thành với vua Quang Trung bằng ngòi bút chân thực, đan xen kể và tả sinh động, các tác giả Ngô gia văn phái đã làm nổi bật hình ảnh vua Quang Trung – người anh hùng áo vải, niềm tự hào lớn của cả dân tộc.
Bên cạnh một Quang Trung uy nghi lẫm liệt trong chiến trận lại là những kẻ bán nước hèn nhát – vua tôi Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành của ông ta vì lợi ích riêng của dòng họ mà đem vận mệnh của dân tộc đặt vào tay kẻ thù xâm lược. Và lẽ tất nhiên, khi bán nước họ sẽ chịu nỗi sỉ nhục và sự đau đớn. Từ một ông vua Lê Chiêu Thống trở thành kẻ số phận hết sức bi thảm. Phải chạy trốn sang phương Bắc và chết ở nơi đất khách quê người.
Đối lập với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn là chân dung kẻ thù xâm lược, cụ thể qua hình ảnh kẻ cầm đầu - Tôn Sĩ Nghị. Hắn ta là kẻ kiêu căng, tự mãn, chủ quan, kéo quân vào Thăng Long dẽ dàng “ngày đi đêm ngủ” như “đi trên đất bằng”, cho là vô sự, không đề phòng gì. Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì hèn nhát, vô trách nhiệm thì sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồn trước qua cầu phao; quân thì “ai nấy đều rụng rời sợ hãi xin ra hàng hoặc bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ các doanh nghe thấy đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều”, “đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa” . Miêu tả sự trốn chạy, đại bại của quân tướng nhà Thanh với âm điệu nhanh, mạnh, gấp gáp gợi sự thất bại liên tiếp, thể hiện tâm trạng hả hê, sung sướng của người cầm bút.
Bằng quan điểm lịch sử chân chính của các sử gia, Ngô gia văn phái đã ghi lại một cách chân thực và sắc nét hình ảnh hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung. Bên cạnh đó là sự thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thông và sự thất bại nhục nhã của quân tướng nhà Thanh. Đoạn trích được trần thuật theo dòng thời gian, giọng điệu linh hoạt, khi trầm buồn, khi gấp gáp, hối hả đã cho thấy tài năng kể chuyện bậc thầy của tác giả.
Copyright © 2021 HOCTAP247