Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Hoàng lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí

So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí

     Quang Trung và Lục Vân Tiên tuy là hai nhân vật với những cảm hứng khác nhau nhưng đều có những nét đẹp chung. Hãy cùng CungHocVui so sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí để hiểu rõ về vẻ đẹp của hai nhân vật lịch sử này nhé!

Phân tích hình ảnh người anh hùng trong Hoàng Lê nhất thống chí

     Nếu Quang Trung là người anh hùng dân tộc tràn đầy nhiệt huyết yêu nước trong kháng chiến thì Lục Vân Tiên là người anh hùng của nhân dân trong đời thường. Quang Trung là người anh hùng dân tộc với đầy đủ những phẩm chất cần thiết để trở thành một lãnh tụ, mang linh hồn của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại: vừa quyết đoán, vừa mạnh mẽ; thêm vào trí tuệ sáng suốt nhạy bén; oai phong lẫm liệt trong cuộc chiến.

So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí- CungHocVui

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ

     Đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí đã khắc họa hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ mạnh mẽ, quyết đoán trong mọi tình huống. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhân vật cũng rất xông xáo, hành động nhanh gọn, có chủ đích. Vừa hay tin giặc đã tràn vào thành Thăng Long, chiếm được cả một vùng rộng lớn, Nguyễn Huệ không một chút e dè, nao núng, nhanh chóng lên kế hoạch đánh giặc. 

     Chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng (từ ngày 24 tháng 11 đến ngày 30 tháng Chạp), Nguyễn Huệ đã tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, đem đại binh ra Bắc, gặp gỡ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp để trưng cầu ý kiến, tuyển mộ binh sĩ, phủ dụ quân lính, hoạch định kế hoạch hành quân, đánh giặc và cả kế hoạch đối phó với địch sau chiến thắng. 

     Trí tuệ sáng suốt của người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ thể hiện trong việc phân tích tình hình thời cuộc và tương quan giữa quân ta và quân giặc. Trong lời phủ dụ quân lính ở tại Nghệ An, ông khẳng định chủ quyền dân tộc “đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị”, và vạch rõ dã tâm của giặc rằng “người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác…mưu đồ lấy nước ta đặt làm quận huyện…”, nêu cao truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc, kêu gọi quân lính một lòng cùng nhau chống giặc.

So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí- CungHocVui

Quang Trung lẫm liệt trong trận chiến

     Vua đồng thời đưa ra những kỷ luật nghiêm minh “chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai…”. Lời phủ dụ này như một bài hịch ngắn nhưng chứa đầy sức mạnh, có tác dụng khơi dậy lòng quân, làm dấy lên truyền thống quật cường của dân tộc.

Phân tích vẻ đẹp của người anh hùng Lục Vân Tiên

     Nếu Quang Trung Nguyễn Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí là hình ảnh người anh hùng dân tộc trong cảnh đất nước có ngoại xâm thì Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên chính là mẫu hình mà nhân dân ao ước hiện hữu trong cuộc đời thường. Chàng thanh niên khôi ngô ấy mang trong mình dòng máu anh hùng nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng ra tay cứu giúp người khó.

     Lục vân Tiên là một người anh hùng bất chấp nguy hiểm cứu người trong hoạn nạn, không phục kẻ bạo cường. Ngay trước đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là cảnh Vân Tiên thấy nhân dân khốn khổ vì bọn cướp Phong Lai đang hoành hành, họ phải “Đều đem nhau chạy vào rừng, lên non” tránh cướp. Người dân ai ai cũng khuyên chàng không nên dự vào, kẻo chuốc lấy nguy hiểm. Thế mà, Vân Tiên, một mình, tay không, đã dũng cảm đánh lại bọn cướp đường hung dữ, đầy đủ gươm giáo, bọn người được ví là “thanh thế lẫy lừng”, “người đều sợ nó có tài không đương”:

                              “Vân Tiên ghé lại bên đàng,

                         Bẻ cây làm gậy, tìm đàng chạy vô.

                              Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!

                         “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.””

So sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí- CungHocVui

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

     Chàng không hề run sợ trước bọn cướp hung hăng mà vẫn bình tĩnh thể hiện rõ bản lĩnh của người anh hùng. Một thân chàng “tả đột hữu xông”, tung hoành trong trận đánh, cho thấy rõ võ nghệ phi thường. Hình ảnh Lục Vân Tiên trong trận đánh hiện lên thật đẹp, đó là vẻ đẹp của người dũng tướng theo phong cách văn chương thời xưa. Nguyễn Đình Chiểu đã yêu mến và so sánh chàng với Triệu Tử Long, chàng anh hùng trẻ tuổi trong truyện Tam Quốc mà tất thảy người Nam Bộ nào cũng mến phục:

                              “Vân Tiên tả đột hữu xông,

                         Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương giang.”

     Người anh hùng Lục Vân Tiên có lẽ là hình tượng mà bất cứ người dân nào cũng yêu mến, bởi nó không những thể hiện một tính cách anh hùng dũng cảm, một tài năng, khí phách lớn mà cao hơn còn là tấm lòng vì nghĩa quên mình của chàng. Đó cái tài của bậc anh hùng hảo hán và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng quân cướp tàn bạo.Trận đánh đã kết thúc nhanh chóng đến bất ngờ như trong truyện cổ tích:

                              “Lâu la bốn phía vỡ tan,

                         Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

                              Phong Lai trở chẳng lập tay,

                         Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”

     Điều đó một lần nữa khẳng định tài năng tài giỏi của Lục Vân Tiên. Nhưng cao hơn là thể hiện khát vọng của nhân dân, là niềm tin của nhân dân về cải thiện. Con người tốt và việc làm tốt, dù có trải qua khó khăn nhưng cuối cùng vẫn sáng ngời và chiến thắng. Đó là ước mơ tác giả Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi gắm vào Lục Vân Tiên.

Xem thêm:

Đóng vai Lục Vân Tiên kể lại toàn bộ câu chuyện cứu Kiều Nguyệt Nga

Phân tích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

     Hành động của chàng Vân Tiên thể hiện tấm lòng nhân hậu, thương người. Khi nghe họ nói muốn được tạ ơn, Vân Tiên vội từ chối ngay. Ở đây có phần câu lệ của phong kiến nhưng chủ yếu là do đức tính khiêm nhường sẵn có của Vân Tiên “làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Cảm động trước hành động cao đẹp của Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hết lòng mời chàng về nhà để tạ ơn. Đáp lại, “Vân Tiên nghe nói liền cười” rồi nhẹ nhàng từ chối. Nụ cười ấy là nụ cười của người anh hùng: hồn nhiên vô tư không vụ lợi, nụ cười của người làm việc nghĩa, vì lẽ phải công bằng của đời và xuất phát từ tấm lòng. 

     Đối với Lục Vân Tiên làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, chàng không xem đó là một công trạng. Đó là cách đối nhân xử thế mang tinh thần nghĩa hiệp của bậc anh hùng hảo hán đương thời: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả; lầm nguy bất cứu mạc anh hùng”.

     Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, hai tác giả đã tái hiện chân thật, sinh động hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ qua chiến công đại phá quân Thanh và người anh hùng dân dã Lục Vân Tiên. 

Kết luận so sánh hình tượng người anh hùng trong Lục Vân Tiên và Hoàng Lê nhất thống chí

     Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ từ đó trở thành biểu tượng cho dân tộc anh hùng. Trong khi đó, những phẩm chất cao đẹp của Lục Vân Tiên là tấm gương sáng về đạo đức nhân cách cho người đời. Nhưng điều khiến cho nhân vật này sống mãi trong lòng nhân dân chính là phương châm sống cao quý của chàng, đó là sẵn sàng làm việc nghĩa một cách vô tư dù phải chịu hy sinh thiệt thòi về mình. Cả hai nhân vật đều mang theo những ước mơ, lý tưởng mà hai tác giả muốn gửi gắm vào và truyền lại cho hậu thế.

 

 

Copyright © 2021 HOCTAP247