Đề bài:
Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán của Ngô gia văn phái. Tác phẩm là những ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê. Đoạn trích thuộc hồi thứ mười bốn đã tái hiện chân thực vẻ đẹp anh dũng, hào hùng, tài trí song toàn của người anh hùng áo vải Quang Trung. Đồng thời cho thấy sự thất bại thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống và bè lũ cướp nước.
Trong tác phẩm nổi bật lên hai chân dung chính: chân dung của vị anh hùng Nguyễn Huệ và chân dung của bè lũ cướp nước cùng vua tôi Lê Chiêu Thống. Với mỗi nhân vật tác giả có cách khắc họa riêng, hết sức tài tình vừa đảm bảo tính chân thực, khách quan vừa thể hiện được cái tôi cá nhân tác giả.
Trước hết về người anh hùng Quang Trung, ông là nhà lãnh đạo quyết đoán, có trí tuệ sáng suốt. Ngay khi vừa hay tin quân Thanh tiến đến Thăng Long, ông đã nhanh chóng quyết định lên ngôi vua, để danh chính ngôn thuận đem quân tiến ra Bắc. Cách làm việc của ông hết sức nhanh chóng, quyết đoán, có tầm nhìn xa, bởi nếu ông không lên ngôi vua thì danh không chính, ngôn cũng không thuận thật khó có thể làm việc lớn. Lên ngôi vua cũng cách thức làm yên lòng dân và ông ngay lập tức cầm quân ra Bắc. Trên đường tiến quân ra Bắc ông gặp Nguyễn Thiếp một người tài giỏi, mưu lược, ông trân trọng, lắng nghe kế sách của Nguyễn Thiếp. Ông là người rất trân trọng và ủng hộ người tài. Ra đến Nghệ An ông đã tuyển được hơn một vạn tinh binh, mở cuộc duyệt quân lớn. Trước khi cầm quân ra Bắc ông còn đọc lời phủ dụ binh lính, vạch trần âm mưu xâm lược hiểm độc của nhà Thanh, cho thấy bộ mặt xấu xa, tàn ác của kẻ thù; đồng thời cũng nêu lên ý thức kỉ luật cho binh sĩ. Những lời ông nói như sấm vang, chớp giật, có tác động to lớn trong việc khích lệ tinh thần binh sĩ. Ông còn là người hết sức sáng suốt, có tầm nhìn ra trông rộng. Là một người tài giỏi, Quang Trung đã đoán biết được tình hình của giặc, lập kế sách tiến đánh và khẳng định chỉ trong vòng mười ngày là giành lại được kinh thành Thăng Long. Ông tiến hành một cuộc hành binh thần tốc, 25 tháng Chạp xuất quân ở Phú Xuân, 30 ông đã đến Tam Điệp ở Ninh Bình. Và ngay đêm 30 bắt đầu tiến quân ra thành Thăng Long. Đây quả là cuộc hành quân thần tốc, có một không hai trong lịch sử nước nhà. Không chỉ vậy ông còn nhìn rõ bản chất quân địch, là nước lớn, sau khi thua nhất định sẽ quay lại báo thù. Bởi vậy, ông đã có kế sách ngoại giao ngay sau khi dành được chiến thắng. Ông quả là một bậc kì tài, thấu hiểu những gian nan, thử thách mà dân tộc phải đối mặt, đưa ra những phương hướng, chiến lược đứng đắn, là cơ sở cho sự đại thắng của quân dân ta.
Quang Trung còn có tài dụng binh như thần. Ông thấu hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của các tướng sĩ: trách mắng Sở và Lân rất nghiêm khắc cho họ thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhưng đồng thời cũng khen ngợi hành động của họ để bảo toàn lực lượng. Ông đánh giá cao Ngô Thì Nhậm về sự mưu trí, mưu lược hơn người. Ông quả là một tướng tài biết nhìn việc, nhìn người. Tài cầm quân đã xuất sắc, tài đánh trận của ông cũng không hề kém cạnh. Để khích lệ lòng quân ông cho binh sĩ ăn tết trước, hẹn mồng 7 vào Thăng Long mở tiệc lớn. Không những vậy ông còn đảm bảo được yếu tố bất ngờ, bắt sống hết quân do thám và tân binh của giặc, khiến các đồn không thể báo tin cho nhau. Đảm bảo yếu tố bất ngờ, nhằm đúng tết nguyên đán tiến đánh kẻ thù, bởi lúc này chúng đang ngủ quên trên chiến thắng, say mê hưởng lạc, không phòng bị. Ông thay đổi chiến thuật linh hoạt: trận Hà Hồi dùng nghi binh, đánh Ngọc Hồi cho quân chế tạo những tấm ván ghép bằng rơm ướt, nhờ vậy mà giảm được thương vong. Đặc biệt hơn nữa ông còn đích thân ra trận, chỉ huy một hướng tiến công. Quang Trung là hội tụ vẻ đẹp, tinh hoa và khí phách của dân tộc.
Trái ngược với vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt của vua Quang Trung bọn quân tướng nhà Thanh thất bại thảm hại. Tôn Sĩ Nghĩ ban đầu tiến vào nước ta một cách dễ dàng nên luôn kiêu căng tự mãn. Không nắm rõ tình hình, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Hắn còn là kẻ tham sống, sợ chết, chưa đánh đã sợ mất mật mà bỏ chạy: “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Những kẻ khác kẻ thì đầu hàng, kẻ thắt cổ tự vẫn. Thật là một bọn ô hợp, hèn nhát và bất tài. Ở đoạn văn này ngòi bút miêu tả được tác giả phát huy hết tác dụng, kết hợp với nhịp điệu nhanh, gấp gáp cho thấy sự hoảng hốt và thất bại thảm hại của kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy giọng điệu hả hê, sung sướng trước thắng lợi của quân ta và sự đại bại của quân giặc.
Còn về phía vua tôi Lê Chiêu Thống, khi xảy ra biến loạn, quân Thanh tan rã thì vô cùng sợ hãi, bỏ chạy, thậm chí còn cướp cả thuyền của dân để qua sông. Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc phải cạo đầu, tết tóc, trang phục như người Mãn. Thật đáng thương thay từ một bậc quân vương đứng đầu hàng vạn người, vậy mà chỉ vì quyền lợi của bản thân và dòng họ, Lê Chiêu Thống đã bán nước nên phải chịu nỗi nhục vong quốc, nắm xương tàn phải bỏ lại nơi đất khách quê người. Mặc dù cùng miêu tả về sự thảm bại, nhưng nhịp điệu ở đoạn văn này nhịp điệu lại chậm hơn. Thể hiện sự xót thương, ngậm ngùi cho số phận của Lê Chiêu Thống. Bởi dù sao ông cũng là một cựu thần trung thành của nhà Lê, trước sự sụp đổ triều đại mình tôn thờ không khỏi không ngậm ngùi, chua xót.
Tác phẩm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật trần thuật. Ghi lại những sự kiện lịch sử qua từng mốc lịch sử, cho thấy không khí khẩn trương, gấp gáp và chiến thắng hào hùng của quân ta. Nghệ thuật miêu tả nhân vật sinh động, hấp dẫn. Từng trận đánh được miêu tả chi tiết, cho thấy khí thế hừng hực của quân ta và sự thất bại thảm hại của quân thù. Nghệ thuật đối lập giữa ta và địch: một bèn đớn hèn, nhát chết một bền xông xáo, mưa trí, tài lược.
Qua hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê Nhất thống chí, tác giả đã cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vẻ đẹp anh hùng, dũng cảm, mưu lược của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chiến thắng oanh liệt vẻ vang của nhân dân ta trước kẻ thù. Đồng thời còn cho thấy sự thất bại thảm hại của nhà Thanh, và sự đáng thương của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Copyright © 2021 HOCTAP247