Phân tích bài Thương vợ để cho thấy khả năng biểu đạt ngôn ngữ độc đáo của nhà thơ
Thương vợ - một trong những bài thơ hay, thể hiện rõ rệt phong cách thơ Tú Xương.
Ở đây, từ hướng ngôn ngữ học, chúng tôi xin nêu thêm vài suy nghĩ về khả năng biểu đạt của ngôn từ trong bài thơ nói trên.
1. Trước hết, cần nói ngay rằng chủ đề bài thơ rất rõ ràng, hiện ra ngay ở tiêu đề bài thơ. Nếu cần nói thêm cho cụ thể, thì đó là: Thương vợ là bài thơ nói về sự ân cần đằm thắm của nhà thơ đối với người vợ hiền thục, đảm đang, tần tảo, rất mực yêu chồng, thương con của mình.
Với chủ đề như vậy, theo chúng tôi, nét hóm hỉnh - một nét đặc trưng của phong cách thơ Tú Xương - e không có ở trong bài thơ này. Ngay bốn câu cuối là lời bà Tú qua giọng nói của nhà thơ cũng không có nét ấy.
2. Sự lam lũ vất vả và đảm đang tần tảo của bà Tú được thể hiện ngay trên câu chữ của bài thơ với những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống của người bình dân mà chúng ta đã gặp nhiều trong ca dao, dân ca, tục ngữ: Lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước buổi đò đồng, Năm nắng mười mưa v.v...
Có lẽ không cần nói gì thêm về khả năng biểu đạt của các thành ngữ trong những câu thơ này.
Điều chúng tôi thấy cần quan tâm là khả năng biểu đạt to lớn của những từ ngữ hết sức thông thường, dễ bị bỏ qua. Đó là mom sông và quanh năm. Những từ ngữ này tạo thành một cặp đối lập - liên kết giữa một không gian chật hẹp (mom sông) với một thời gian dài, liên tục, không xác định (quanh năm).
Với một không gian chật hẹp, người mua kẻ bán đông đúc, bà Tú phải vất vả lắm, tất bật ngược xuôi lắm mới may ra Nuôi đủ năm con với một chồng. Nỗi vất vả ấy, sự tất bất ấy tăng lên gấp bội khi phải kéo dài quanh năm, hết ngày lại ngày, hết năm lại năm.
Sự đối lập - liên kết giữa mom sông - Quanh năm liên hội ngũ nghĩa với Eo sèo mặt nước buổi đò đông và Năm nắng mười mưa càng cho thấy rõ hơn nỗi vất vả, lam lũ cực nhọc mà bà Tú phải chịu đựng, nếm trải, đồng thời nói lên sự đảm đang, tháo vát lo toan của bà.
Có hiểu được sâu sắc cái cảnh quanh năm buôn bán ở mom sông của vợ, có thực sự cảm thông và yêu thương vợ, nhà thơ mới có thể tạo nên những câu thơ đầy ân tình với những chữ nghĩa bình dị nhưng ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc như vậy.
3. Ngoài nội dung trên, bài thơ Thương vợ còn có một nội dung khác. Đó là nỗi lòng của tác giả. Nhà thơ cảm thấy mình bất lực, vô tích sự, đã không đỡ đần được gì cho vợ mà bản thân lại còn trở thành một phần gánh nặng đối với vợ.
Nội dung này ẩn sau cách thể hiện nội dung thứ nhất và hội tụ lại ở một từ với.
Cũng như từ và, từ cùng, từ với về từ loại chỉ là từ quan hệ, dùng để nối các từ, các ngữ với nhau. Khả năng biểu đạt nghĩa của chúng hết sức thấp. Sắc thái tu từ của chúng càng thấp. Bởi vậy, thơ ca rất kị các từ quan hệ. Nhưng từ với trong bài thơ Thương vợ có một vị trí đặc biệt, có khả năng biểu đạt to lớn.
Quả vậy, trong khi và, cùng nối kết các từ ngữ có quan hệ ngang hàng, đồng đẳng, tạo nên giá trị thiên về liệt kê số lượng, thì với nỗi kết các từ ngữ có quan hệ không ngang hàng, không đồng đẳng với nhau, nên nó mang nghĩa cộng thêm vào, gia tăng về lượng. Theo đó, câu thơ”
Nuôi đủ năm con với một chồng
Trong cảm nhận của nhà thơ và của chúng ta là: Nuôi đủ năm con đối với bà Tú đã là một gánh nặng rồi và bây giờ lại thêm một chồng, thì cái gánh nặng biết bao nhiêu, và chắc chắn đôi vai gầy của bà Tú phải vất vả, cực nhọc nhiều lắm mới kham nổi.
Thế là, chỉ bằng một từ với, nhà thơ cũng đồng thời nói rõ hơn, cụ thể hơn những vất vả, lo toan của bà Tú với gia đình, chồng con, và bộc lộ nỗi chua chát, bất lực của mình khi phải để cho vợ một mình gánh vác việc nhà, lo toan mọi bề. Qua đó, nhà thơ cảm thấy mình có lỗi với gia đình, trước hết với bà Tú. Âu chi, đó cũng là một cách nhà thơ ngầm “thú lỗi” với người vợ nhân hậu của mình.
Có đặt tình cảm và thái độ ấy vào hoàn cảnh lịch sử xã hội của nhà thơ - cái xã hội mà người phụ nữ, người vợ bị coi thường, bị chi phối bởi đạo lí tam tòng tứ đức, bởi lề giáo phong kiến nặng nề - mới thấy hết sự ân tình, đằm thắm của nhà thơ đối với vợ, mới thấy được sự hàm ơn của nhà thơ đối với bà Tú - một điều hiếm thấy trong thơ ca cổ.
Khả năng biểu đạt của ngôn từ trong bài thơ Thương vợ là ở đấy. Giá trị của bài thơ cũng ở đấy.
Copyright © 2021 HOCTAP247