Trình bày cảm nhận của anh/ chị về những khát vọng của người

Câu hỏi :

Trình bày cảm nhận của anh/ chị về những khát vọng của người con gái trong tình yêu được thể hiện qua đoạn thơ sau:

* Đáp án

* Hướng dẫn giải

Phương pháp:

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về những khát vọng của người con gái trong tình yêu được thể hiện qua đoạn thơ.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

  1. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ vừa giàu tình cảm yêu thương, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn mãnh liệt, da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Sóng”: Sóng là bài thơ được sáng tác năm 1967 nhân chuyến đi công tác về vùng biển Diên Điền (Thái Bình). Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào. Sóng là bài thơ tình tiêu biểu cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh. Sóng là hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa, gợi lên vẻ đẹp phong phú trong tâm hồn người con gái đang yêu.

- Khái quát nội dung của đoạn trích: Đoạn trích thể hiện những cảm nhận của nhà thơ về đặc tính của sóng cùng những khát vọng của người con gái khi yêu.

  1. Thân bài
  2. Khổ 1: “Dữ dội và dịu êm…Sóng tìm ra tận bể”

+ Bằng việc sử dụng bút pháp miêu tả với nhiều từ láy, sóng trước hết được thể hiện qua những trạng thái đối cực: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi, lúc biển động do phong ba, sóng dữ dội, ồn ào; khi trời yên biển lặng, sóng dịu êm, lặng lẽ. Sự đối lập ấy đôi khi thật rõ ràng, có thể dự báo trước, nhưng cũng nhiều lúc thật khó đoán, thất thường và hết sức bất ngờ.

-> Mượn hình tượng sóng, người phụ nữ đang yêu trong bài thơ đang tự nhận thức về những biến động trong lòng mình, đang chân thành bộc bạch mà không hề giấu giếm những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn đang khát khao yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu hiền, sâu lắng.

+ Ở hai câu thơ sau, với bút pháp tự sự, sử dụng hình ảnh biểu tượng (sông, bể) và giọng thơ mang tính khẳng định, Xuân Quỳnh cho thấy sóng hiện lên thật mạnh mẽ trong hành động vượt thoát khỏi thế giới chật hẹp và thiếu sự đồng cảm để tìm ra biển rộng bao la, tìm đến với môi trường đích thực của nó. Nói cách khác, qua hai câu thơ này, nhà thơ đã mạnh dạn bộc lộ một quan niệm mới mẻ, hiện đại về tình yêu của người phụ nữ. Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì “sóng” dứt khoát từ bỏ nơi trật hẹp ấy để “tìm ra tận bể”, để đến với cái bao la, khoáng đạt. Các từ ngữ “không hiểu nổi”, “tìm ra tận” mang ý nghĩa nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt của sóng, cũng là của tình yêu. Khác với người phụ nữ xưa, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã đến với tình yêu một cách chủ động, đầy tự tin, khát khao tìm đến với một tâm hồn đồng điệu, có thể thấu hiểu, sẻ chia, tìm đến một khung trời tình yêu cao cả, bao dung.

  1. Khổ 2: “Ôi con sóng ngày xưa... Bồi hồi trong ngực trẻ”

Có thể nói, hành trình “tìm ra tận bể” của sóng cũng là hành trình tự nhận thức chính mình của người phụ nữ, nhận thức giá trị đích thực của tình yêu.

+ Nếu như ở khổ 1, sóng được miêu tả trong chiều rộng của không gian thì đến khổ thơ này, sóng lại được miêu tả trong chiều dài của thời gian. Đứng trước biển, Xuân Quỳnh cảm nhận rõ nét cái vĩnh hằng, bất diệt của sóng: Ôi con sóng ngày xưa- Và ngày sau vẫn thế. Giọng thơ cảm thán cùng với những từ chỉ thời gian “ngày xưa, ngày sau, vẫn thế” cho thấy hàng ngàn, hàng triệu năm qua, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ còn chuyển động.

+ Cũng như sóng, “nỗi khát vọng tình yêu” mãi mãi là niềm khao khát cháy bỏng, “bồi hồi” trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ. Bao nhiêu thế kỉ qua, con người đã đến với tình yêu, đã sống mà không thể thiếu tình yêu và sẽ còn yêu chừng nào còn tồn tại. Xuân Quỳnh khẳng định một chân lí: khát vọng tình yêu là vĩnh viễn, nó không chỉ tồn tại trong tâm hồn con người, đặc biệt là tuổi trẻ mà còn khiến người ta trở lại, tái sinh như con sóng biển ào lên rồi lại tan ra hòa nhập vào biển cả mãi mãi. Cũng như còn biển thì còn sóng, còn con người thì tình yêu còn mãi.

  1. Khổ 3, 4: “Trước muôn trùng sóng bể. Khi nào ta yêu nhau”

+ Ở khổ thơ này, nhân vật “em” đã trực tiếp xuất hiện, đối diện với muôn trùng sóng biển, với bao la đất trời, em đã nghĩ về biển lớn tình yêu của mình: “Trước muôn ... lên”. Biện pháp điệp từ và điệp cấu trúc câu “em nghĩ về” cùng những câu hỏi dồn dập: “Từ khi nào sóng lên? Gió bắt đầu từ đâu? Khi nào ta yêu nhau?” đã diễn tả sự trăn trở, khắc khoải của em khi nghĩ về tình yêu.

+ Khi tình yêu đến, như một lẽ tự nhiên, thường tình, con người luôn có nhu cầu tìm hiểu, cắt nghĩa. Xuân Quỳnh đã mượn sóng để cắt nghĩa tình yêu: “Sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu?”. Tuy nhiên quy luật của thiên nhiên, đất trời còn có thể lý giải được bằng những tri thức, sự hiểu biết nhưng cội nguồn của tình yêu thì không thể nào định nghĩa được một cách rõ ràng. Bởi lẽ tình yêu thuộc về những cung bậc cảm xúc, nó là những rung động hết sức phong phú của mỗi tâm hồn. Nhà thơ chỉ còn biết thú nhận sự bất lực của mình một cách rất đáng yêu: Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau. Hai câu thơ có cấu trúc đảo (đáp trước, hỏi sau) đã diễn tả thật thành công sự bối rối và cả niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi yêu.

III. Kết bài:

- Hình tượng sóng và em có sự đồng điệu, song hành. Nhân vật trữ tình là “em” mang dấu ấn riêng và tâm hồn, phong cách tác giả.

- Bằng sự thấu hiểu, đồng cảm của “người trong cuộc”, Xuân Quỳnh đã khám phá, thể hiện một cách chân thực và sâu sắc về thế giới tâm hồn của người con gái trong tình yêu.

Copyright © 2021 HOCTAP247