Kể về người cha
Tôi thích sự cứng rắn. Trong đầu tôi luôn là câu động viên: “Điều gì người làm được ta cũng làm được”. Vì thế tôi thường tự đặt mình vào những thử thách.
Thời gian trôi qua, tôi học năm thứ ba đại học còn ba tôi đã 70 tuổi. Chân ba rất yếu phải chống gậy. Ba tôi rất sợ té. Mỗi khi đỡ người đi vệ sinh người thường la hoảng như thể sắp té đến nơi, dẫu cho tôi cầm tay người rất chặt. Tôi cảm thấy rất bực mình về điều này! Tôi cho rằng ba “nhõng nhẽo” với tôi vì những lúc tôi vắng nhà ba vẫn tự mình làm được. Hơn thế, trước đây khi còn trẻ, ba tôi vốn rất xốc vác, mạnh mẽ chứ nào yếu đuối, nhút nhát như vậy.
Một lần ba nhờ tôi đưa đi vệ sinh, tôi đã không nắm tay như thường lệ: “Ba cứ tự mình đi đi. Con sẽ theo sau đỡ nếu có chuyện gì xảy ra. Con biết ba vẫn còn đi một mình được, nếu con cứ để ba tựa vào hoài như vậy sẽ khiến các cơ của ba càng trở nên yếu đuối! Như vậy thành ra con làm hại ba sao! Nghe vậy ba tôi im lặng một lúc rồi đáp: “ừ, ba sẽ cố. Con cũng đúng”. Rồi ông lầm lũi chống gậy đi. Tôi đi sau lưng và nghĩ thầm: “Phải thế chứ. Ba phải cứng rắn lên mới được!”.
Những ngày sau đó người luôn tự mình đi lại (với tôi đi sau lưng). Cho đến một hôm, ba kêu tôi lấy quyển nhật kí của người và lật trang cuối, ở đó viết: “Hôm nay, khi nghe Nhóc nói rằng từ nay sẽ để ba tự đi, Nhóc chỉ đi sau để đỡ, ba rất giận! Nhóc có biết rằng khi về già người ta luôn sợ đủ thứ? Sợ té, sợ cô đơn, bỏ rơi... Còn ba, ba sợ nhất sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình nếu chẳng may mình ngã té. Tuy thế, ba biết Nhóc là người cứng rắn, Nhóc không phải muốn bỏ rơi ba, chỉ là muốn truyền cho ba sự cứng rắn... Ba vẫn yêu Nhóc. Nhưng sau này Nhóc đừng cứng rắn với mẹ như thế? Phụ nữ luôn cần được che chở”.
- Con nhớ nhé, hứa với ba nhé!
- Vâng... - tôi òa khóc. - Ba, sao ba không..;
- Đừng. Đàn ông phải cứng rắn chứ - ba mỉm cười rồi “thiếp đi”...
Cứng rắn? Định nghĩa thế nào đây, như ba tôi hay tôi?
Copyright © 2021 HOCTAP247