Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống
Hướng dẫn
- Xác định thể loại làm bài: Văn chứng minh.
- Đối tượng cần chứng minh: Ý kiến “Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống”.
- Chủ đề: bảo vệ môi trường sống.
- Giải thích những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm trong đề bài:
+ Môi trường là gì?
- Toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người với sinh vật ấy.
Lưu ý: Môi trường ở đây cần hiểu rộng ra và cụ thể bao gồm yếu tố kết hợp lại: Đất, nước, không khí, rừng xanh.
+ Ý thức nghĩa là gì?
- Sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ hành động cần phải có.
+ Tổn hại là gì?
- Làm mất mát, hư hại lớn.
* Nghĩa cả câu (lời nhắc nhở cũng là bài học kinh nghiệm mà ta cần rút ra): Phải bảo vệ môi trường sống được trong sạch, “khỏe mạnh”. Vì khi bảo vệ và gìn giữ nó cũng giống như đang chăm sóc sức khỏe bản thân chúng ta và tất cả mọi người.
- Các em cần đưa ra những giá trị, ý nghĩa của môi trường đối với đời sống con người, những tác hại ảnh hưởng đến cuộc sống nếu môi trường sống bị tàn phá, các biện pháp thực hiện bảo vệ, giữ gìn.
- Đề bài không phải là tác phẩm dân gian (ca dao, tục ngữ,...) cho nên lời dẫn dắt cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Đối với những dạng đề này, muốn viết lời dẫn hay ta nên làm theo hai thao tác sau đây:
+ Tóm gọn nội dung đề bài.
+ Lấy nội dung vừa tóm gọn để viết lời dẫn.
Dàn bài
I. Mở bài
- Dẫn dắt (xem phần lưu ý trên).
- Nêu nội dung đề bài.
- Trích dẫn đề bài.
- Chuyển ý bằng cách đặt câu hỏi để tạo sự liên kết (ra sao? như thế nào?)
(Cần nhấn mạnh tính quan trọng của môi trường đối với cuốc sống của con người)
II. Thân bài
- Từ ngữ liên kết: Thật vậy, Quả đúng như vậy.
1. Giải thích từ ngữ trọng tâm trong đề bài
+ Môi trường là gì?
- Toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người với sinh vật ấy.
Lưu ý: Môi trường ở đây cần hiểu rộng ra và cụ thể bao gồm những yếu tố kết hợp lại: Đất nước, không khí, rừng xanh.
+ Ý thức nghĩa là gí?
- Sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ hành động cần phải có.
+ Tổn hại là gì?
- Làm mất mát, hư hại lớn.
* Nghĩa cả câu (lời nhắc nhở cũng là bài học kinh nghiệm mà ta cần rút ra): Phải bảo vệ môi trường sống được trong sạch, “khỏe mạnh”. Vì khi bảo vệ và gìn giữ nó cũng giống như đang chăm sóc sức khỏe bản thân chúng ta và tất cả mọi người.
2. Đưa ra các nguồn dẫn chứng
a. Mặt tích cực
Môi trường bao gồm những điều gì?
- Nguồn nước sạch.
- Bầu không khí trong lành
- Đất đai màu mỡ, tươi tốt để trồng trọt.
- Rừng và biển cung cấp nhiều sản vật quý có giá trị kinh tế cao.
* Lợi ích: Duy trì và tăng cường sức khoẻ, nâng cao đời sống của con người.
b. Mặt tiêu cực
- Con người tàn phá rừng xanh (đốt rừng, chặt phá cây xanh bừa bãi,...) xây dựng những khu công nghiệp bằng cách san bằng những thảm cây xanh.
* Gây ô nhiễm bầu trời, không khí.
- Bên cạnh đó con người còn giết hại các loài động vật tự nhiên khiến, cho các loài vật quý hiếm dần dần bị tuyệt chủng.
- Xả chất thải công nghiệp ra sông, suối, kênh rạch...
* Gây ô nhiễm nặng, khó cải thiện, đời sống sinh vật biển bị ảnh hưởng nặng nề đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của con người.
- Nhiều người không có ý thức, vô tư xả rác ở những nơi không đúng quy định, cũng phần nào gây ô nhiễm môi trường.
* Phê phán, lên án những kẻ không có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
III. Kết bài
- Từ ngữ liên kết: Qua những điều vừa phân tích trên cho ta thấy,
- Khẳng định lại ý nghĩa của đề bài: Bảo vệ môi trường sống là công việc quan trọng và hết sức cấp thiết bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến con người về sức khỏe và đời sống.
- Liên hệ bản thân: Tuyên truyền cho mọi người nâng cao ý thức bảo vệ mối trường. Bản thân không xả rác, trồng và chăm sóc cây xanh...
Bài làm 1
Trong đời sống của chúng ta đặc biệt là bảo vệ mỗi trường sống xung quanh mình, có những kẻ không có ý thức và người có ý thức. Người có ý thức là người luôn biết bảo vệ và gìn giữ môi trường. Ngược lại, người không có ý thức là những người luôn muốn phá hoại, khai thác một cách bừa bãi nguồn tài nguyên môi trường... Bởi vậy đã có một ý kiến cho rằng: “Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống”. Vậy ý kiến ấy có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?
Quả đúng như vậy, cuộc sống của chúng ta có vô vàn những điều mà ta chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó. Trong ý kiến trên, “tổn hại” và ý thức bảo vệ môi trường có ý nghĩa như thế nào? Tổn hại là tổn thất, mất mát lớn một điều gì đó về vật chất hoặc tinh thần. Môi trường là do thiên nhiên ban tặng hoặc con người tự tay xây dựng nên có tác động rất lớn trong sự tồn tại, phát triển của con người. Ý thức là việc làm, hành động, là nhận thức đúng đắn về những gì mình đang làm. Nghĩa của ý kiến “Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống” đó là đời sống của chúng ta sẽ bị mất mát, hao mòn lớn nếu như con người không biết bảo vệ, chăm sóc môi trường sống xung quanh mình. Bài học ở đây là ta phải biết bảo vệ, gìn giữ môi trường sống thật “khỏe mạnh”, trong sạch, không được làm tổn hại bất kì điều gì đến môi trường.
Trong xã hội hiện đại bây giờ, có vô vàn những kế hoạch không hợp pháp liên quan đến môi trường. Những kẻ thuê mướn chặt cây, phá rừng để làm những khu vui chơi, giải trí, khu công nghiệp đã làm cho hàng vạn cây xanh phải ngã xuống, đất đai bị tổn hại, môi trường bị ô nhiễm nặng, quan trọng hơn nữa đó là khi rừng đã mất thì những cơn thịnh nộ của lũ dữ sẽ không ai có thể ngăn chặn được. Khi đó những con người chặt phá rừng ấy dường như là những kẻ có tội. Chúng chỉ biết lợi ích cá nhân của chúng mà không nghĩ đến hậu quả sau này. Mặt khác, ta thấy cây xanh mang đến cho chúng ta bầu không khí trong lành, sức khỏe con người từ đó mà được nâng cao hơn, nay cây xanh không còn nữa thì liệu con người có còn tồn tại được nữa hay không nếu như thiếu nguồn ô-xy do cây xanh quang hợp mà có cho chúng ta hưởng. Hay những kẻ thợ săn chuyên săn lùng những con thú quý hiếm về bán cho những đại gia để làm kiềng, hoặc những con vật tội nghiệp ấy nằm trên bàn nhậu đã khiến cho sự sống của các loài vật ấy bị đe dọa, dần dần đưa những con vật ấy vào đường tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, chúng ta vẫn còn thấy rất nhiều người có lòng yêu quý thiên nhiên và muốn bảo vệ, cải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Có thể kể đến trong lịch sử, Bác Hồ vĩ đại của chúng ta đã từng đưa ra phong trào trồng cây gây rừng:
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Hay trong xã hội hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều phong trào tuyên truyền con người không nên chặt phá rừng xanh, giết thú rừng bừa bãi, cải tạo những dòng sông bị ô nhiễm nặng do rác người dân xả xuống,... Những hành động ấy tuy nhỏ nhoi nhưng cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường. Có gìn giữ và bảo vệ môi trường sống thì cuộc sống của chúng ta mới được tốt đẹp hơn.
Qua những dẫn chứng trên cho ta thấy một điều, bảo vệ và gìn giữ môi trường sống ngày càng trong sạch, đẹp đẽ hơn là một công việc rất quan trọng và phải làm ngay. Nếu ta khai thác bừa bãi, chặt phá cây xanh, xả rác vô tư thì không sớm thì muộn con người cũng sẽ đi vào con đường tự hủy diệt bản thân mình. Chúng ta hãy bắt tay cùng nhau để bảo vệ môi trường thật xanh, sạch, đẹp như để bảo vệ cuộc sông của chúng ta các bạn nhé!
Bài làm 2
Môi trường là một yếu tố cực kì quan trọng tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Từ bao đời nay, mối quan hệ giữa môi trường với con người là vô cùng khăng khít, hữu cơ, không thể tách rời. Tuy nhiên, ngày nay con người trên khắp hành tinh này lại đang đứng trước một thảm hoạ vô cùng to lớn: Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nặng nề, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của con người. Tình trạng ấy thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước hết ta phải nói tới sự ô nhiễm của môi trường đất. Ngay từ thuở khai thiên lập địa, loài người đã tạo dựng cuộc sống của mình bắt đầu từ việc khai phá đất đai để trồng trọt. Đời này qua đời khác, đất đai màu mỡ đã cung cấp nguồn lương thực chính cho con người. Nhưng tài nguyên đất không phải là vô tận mà đang trong tình trạng ngày một cạn kiệt. Việc khai thác tài nguyên đất của con người trong thời gian gần đây đã được tiến hành một cách ồ ạt, vô tổ chức, không tuân thủ quy luật tự nhiên. Con người không chỉ tác động vào đất bằng sức lao động như cày, bừa, cuốc, xới để làm ra những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần với lúa gạo ngô khoai. Con người cũng không chỉ dừng lại thoả mãn với những khoáng sản có trong lòng đất. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại đã giúp cho con người có sức mạnh để khai thác triệt để tài nguyên đất. Các loại giống được trồng với năng suất cao. Rồi thâm canh tăng vụ. Việc, chăm bón đất đai chủ yếu phụ thuộc vào các loại phân vi sinh, chưa kể tới việc con người đã tác động tới đất bằng nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng hay thuốc trừ sâu. Kể cả các chất độc hoá học - “sản phẩm” của các cuộc chiến tranh tàn khốc. Rừng đầu nguồn bị khai thác bừa bãi, gây ra biết bao nhiêu trận lũ lụt lớn. Hậu quả là đất đai bị phá hoại nặng nề, chất màu mỡ cạn kiệt, tình trạng xói mòn, sạt lở ngày một nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống hằng ngày của con người.
Bên cạnh đó, ta phải kể tới tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Tốc độ phát triển của nền kinh tế công nghiệp như hiện nay đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt những khu công nghiệp, những nhà máy, công xưởng. Từng ngày, từng giờ, từ các khu công nghiệp này đã thải ra rất nhiều những hợp chất ở thể rắn, thể lỏng. Nhiều bãi rác khổng lồ không kịp xử lí, cộng với ý thức vệ sinh công cộng của con người còn kém khiến cho rác thải ngập lòng ao, lòng sông. Lượng nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt thì quá khổng lồ. Theo thống kê của các nhà khoa học thì lượng nước thải trên thế giới vào cuối thế kĩ XX là khoảng 1000km3 trong một năm. Và để xử lí khối lượng nước bẩn này thì phải cần một lượng nước sạch gấp 20 lần. Như vậy là con người đã phí phạm một nguồn nước ngọt lớn dự trữ trong thiên nhiên (ao, hồ, sông, suối,...). Hậu quả là nguồn nước sinh hoạt của con người ngày càng trở nên eo hẹp. Nước ngọt ở nhiều vùng thiếu trầm trọng. Đó là chưa kể tới việc dùng nguồn nước đã bị nhiễm bẩn có thể gây ra rất nhiều bệnh tật cho con người. Thực tế cho thấy nhiều nơi, do sự phát triển công nghiệp cũng như việc đi vào hoạt động của các làng nghề đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng.
Ô nhiễm môi trường không khí cũng là một tình trạng đáng báo động trên toàn cầu. Như trên đã nói, sự phát triển của công nghiệp cũng như trào lưu hoá học hoá nông nghiệp đã có những tác động rất xấu tới nguồn không khí quanh ta. Bầu khí quyển ngày càng bị các hợp chất của các-bon làm ô nhiễm. Nhiều nơi xảy ra các trận mưa bụi các bon-níc. Nhiệt độ khí quyển ngày càng tăng (tăng khoảng 3 - 4°C) khiến cho khí hậu toàn cầu thay đổi thất thường. Tại các khu đô thị, lượng xe ô tô, xe máy khổng lồ đã thải vào không khí bao nhiêu khói độc hại. Thời gian gần đây, con người đang phải chứng kiến hậu hoạ của việc tầng ô-dôn bao bọc trái đất bị chọc thủng. Sức khoẻ cộng đồng bị đe doạ nghiêm trọng. Nhiều loại bệnh nguy hiểm đang gây ra bao cái chết thương tâm.
Ngoài ra, ta còn phải kể tới tình trạng mất cân bằng sinh thái do việc khai thác, săn bắt các sản vật của rừng. Gỗ bị chặt một cách vô tội vạ, tạo ra bao cánh rừng hoang, bao quả đồi trọc. Các loại động vật quý hiếm bị tiêu diệt khiến cho nhiều loài đã và đang đi đến tuyệt chủng như tê giác, cá voi, hải cẩu,...
Tóm lại, trong thời gian gần đây, con người đang phải trực tiếp chịu sự trừng phạt của thiên nhiên do tình trạng ô nhiễm môi trường sông. Mối quan hệ vốn khăng khít, hữu cơ giữa con người với thiên nhiên đã trở nên tồi tệ tới mức cần báo động. Và nhiệm vụ của tất cả các quốc gia, tất cả mọi người trên hành tinh này là phải tìm mọi cách chặn đứng và đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, sao cho “ngôi nhà chung” của chúng ta được an toàn, xanh, sạch, đẹp.
Copyright © 2021 HOCTAP247