Nhân dân ta có câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ đó.
Hướng dẫn
- Xác định thể loại làm bài: Văn chứng minh
- Đối tượng cần chứng minh: câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
- Chủ đề: học tập.
- Giải thích những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm trong đề bài:
+ Đàng là gì?
- Là đường => Hiểu rộng ra là khắp nơi.
+ Khôn là gì?
- Có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất tránh được những việc làm và thái độ không nên có.
* Nghĩa cả câu: Con người phải đi đây đi đó để mở rộng tầm hiểu biết của mình.
Dàn bài
I. Mở bài
- Dẫn dắt: “Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của ông cha ta...”.
- Nêu nội dung câu tục ngữ.
- Trích dẫn câu tục ngữ.
- Chuyển ý bằng cách đặt câu hỏi để tạo sự liên kết (ra sao? như thế nào?)
II. Thân bài
- Từ ngữ liên kết: Thật vậy, Quả đúng như vậy.
- Lời dẫn.
1. Giải thích từ ngữ trọng tâm trong câu tục ngữ (Nghĩa đen => Nghĩa bóng).
+ Đàng là gì?
- Là đường => Hiểu rộng ra là khắp nơi.
+ Khôn là gì?
- Có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất tránh được những việc làm và thái độ không nên có.
* Nghĩa cả câu: Con người phải đi dây đi đó để mở rộng tầm hiểu biết của mình.
* Có đi ra ngoài ta mới thấy được tận mắt, nghe được tận tai nhiều điều hay chuyện lạ, nhờ đó mà khôn ngoan hơn. Nếu cứ ngồi ở xó nhà thì có hiểu biết được gì? Càng đi xa, ta càng hiểu rộng, biết nhiều hơn.
2. Đưa ra các nguồn dẫn chứng
a. Trong thời đại lịch sử xa xưa
Có đi đây đi đó ta mới có thể mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích của nhân loại. Nếu chỉ quanh quẩn trong nhà, trong trường, lớp thì ta đang tự cô lập, gò bó sự sáng tạo, sự tiếp thu những kiến thức mới mẻ ngoài xã hội của bản thân dễ dẫn đến sự lạc hậu. Ví như: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Trong quá trình ấy, Bác đã học được rất nhiều bài học hay, bổ ích đặc biệt là vốn ngoại ngữ hàng chục thứ tiếng nước ngoài mà Bác đã học được. Bác mãi là tấm gương sáng cho việc mở mang kiến thức ra bên ngoài.
b. Trong thời đại hiện nay
Nhà trường thường hay tổ chức nhiều chuyên tham quan, học tập những bảo tàng chứng tích chiến tranh, bảo tàng lịch sử nhằm giúp ta mở mang thêm tầm hiểu biết lịch sử nước nhà..
- Bản thân chúng ta phải tự tin, năng động, sáng tạo trong học tập. Đặc biệt là tham gia tổ chức Đoàn Đội để tích lũy vốn kiến thức, kĩ năng sống mà những kĩ năng này rất quan trông đối với học sinh.
c. Trong thơ văn
- Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. (Hồ Chí Minh)
- Đi cho biết đó biết đây.
- Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
- Đi một buổi chợ học được mớ khôn.
3. Mở rộng .
Chê trách những người suốt một đời người chỉ biết gói gọn kiến thức của mình ở trường lớp, ở nhà mà không biết rằng kiến thức bên ngoài là vô bờ bến, nếu một ngày ta không tiếp thu thì sẽ trở thành một con người lạc hậu, đi sau thời thế.
III. Kết bài
- Từ ngữ liên kết: Qua những điều vừa phân tích ở trên.
- Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ: Lời khuyên của ông cha ta đối với thế hệ sau là phải biết mở mang tầm hiểu biết của mình ra bên ngoài xã hội, thế giới. .
- Ứng dụng học tập cho bản thân: Luôn đọc thêm sách báo, tiếp nhận thêm nhiều thông tin từ các phương tiện truyền thông để nâng cao tầm hiểu biết của mình.
Bài làm 1
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, những thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta những bài học bằng xương máu, về kinh nghiệm hay về cách đối nhân xử thể trong xã hội. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một ví dụ mang ý nghĩa như trên. Nó còn khuyên ta phải biết tìm hiểu thế giới bên ngoài để tiếp thu những kiến thức hay, bổ ích bên ngoài xã hội. Có như vậy, ta mới biết được một điều những kiến thức mình biết chỉ như một giọt nước còn những điều mình chưa biết như một biển cả mênh mông. Vậy ta cần phải hiểu câu tục ngữ trên như thế nào?
Quả đúng như vậy, những bài học về phẩm chất, đạo đức mà ông cha ta đã đúc kết đã gói gọn trong những từ ngữ đớn giản mà dễ hiểu. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có hai vế cân bằng. “Học” ở đây chính là sự tiếp thu một kiến thức mới. “Sàng khôn” chính là những kiến thức mới, bổ ích trong quá trình tiếp thu ấy. Câu tục ngữ muốn khuyên nhủ chúng ta rằng ta phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì chắc chắn ta sẽ biết thêm được rất nhiều kiến thức mà ta chưa biết để rồi từ đó nâng cao trình độ học vấn của mình.
Trong thời đại lịch sử xa xưa, để có thể tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài ông cha ta đã đi đến các nước bạn để tìm hiểu về phong tục, tập quán và kinh nghiệm của họ để đem về cho đất nước. Hay trong thời kì Phục Hưng ở châu Âu, Côlômbô đã tự mình tìm đường ra biển cả để khám phá ra Châu Mĩ. Tất cả những điều đó đã chứng tỏ, nếu ta không chịu khó tìm tòi, học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết của mình ra bên ngoài thì vốn kiến thức của ta cũng chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữa một đại dương rộng lớn, mênh mông.
Trong thời đại ngày nay, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để học sinh được mở rộng kiến thức như tổ chức đi tham quan các khu du lịch sinh thái, hoặc những bảo tàng như: bảo tàng chứng tích chiến tranh, bảo tàng lịch sử Việt Nam,... nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn nguồn cội lịch sử nước nhà.
Trong thơ văn ta cũng thường hay bắt gặp những câu như lời nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi” mong muốn khuyên ta một điều đó là học phải là một công việc suốt đời để nâng cao trình độ kiến thức của mình, không phải học một hai ngày thì ta đã tiếp thu hết được kiến thức của nhân loại.
Mặt khác, có rất nhiều bạn cho rằng “đi một ngày đàng” chưa chắc đã học được “sàng khôn” nào. Học là trách nhiệm, là bổn phận của mỗi người, ta phải tự học là chính để từ đó ta mới có được “sàng khôn” chứ không phải học những thói hư tật xấu để rồi bắt chước làm theo như vậy là không tốt. Bên cạnh đó cũng còn nhiều người ỷ lại vào người khác mà chưa biết tự mình vươn lên trong học tập, hay đi tìm những kiến thức mới. Đây là những người rất đáng chê trách, ta không nên học theo.
Từ các dẫn chứng trên cho ta thấy câu tục ngữ “đi một ngầy đàng, học một sàng khôn” khuyên ta khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì phải học hỏi những điều hay lẽ phải để có thể nâng cao được trình độ kiến thức hiểu biết của mình. Từ đó, ta có thể rút ra được bài học cho mình là phải luôn luôn học tập, đi nhiều nơi để học thêm được nhiều điều mai sau là người có ích cho xã hội.
Bài làm 2
Trong cuộc sống của chúng ta, học tập là một điều rất quan trọng. Ngoài học tập ở trường, trong các quyển sách giáo khoa thì chúng ta còn phải học tập những điều thú vị trong đời sống. Cũng như câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” cũng đã nói lên được hàm ý trên. Ý nghĩa câu tục ngữ này là nếu ta đi tìm tòi, học tập những điều hay bên ngoài xã hội và trên thế giới thì ta sẽ có những bài học, kinh nghiệm sâu sắc cho mình. Vậy ta phải hiểu câu tục ngữ trên một cách đúng đắn hơn ra sao?
Quả đúng như vậy, để truyền đạt cho con cháu đời sau những bài học đạo đức, những phẩm chất tốt đẹp, ông cha ta thường dùng những từ ngữ, hình ảnh đơn giản, giàu ý nghĩa trong cuộc sống. Xét về mặt nghĩa đen, “học” có nghĩa là học tập, học hỏi, là tiếp thu thêm kiến thức; “sàng khôn” mang tính chất là nói về kiến thức, sự hiểu biết. Vậy nghĩa đen của câu tục ngữ này là ta chỉ cần đi ra ngoài xã hội để học tập thì chắc chắn ta sẽ có được thêm kiến thức vô giá. Nếu bàn về nghĩa bóng thì câu tục ngữ này có ý nghĩa là học tập bên ngoài sách vở, học trong xã hội thì ta sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học sâu sắc hơn. Tóm gọn lại, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” muốn khuyên ta một đạo lí “bên ngoài xã hội là một thế giới đầy những điều thú vị, chỉ cần ta di tìm tòi, học tập thì ta sẽ có vô vàn kinh nghiệm, vốn kiến thức về sau”.
Trong lịch sử xa xưa, có những người đã rất cố gắng học tập và họ đã thành công trong tương lai. Không chỉ dừng lại tại đó mà họ còn đi tìm tòi, học hỏi những điều mới lạ bên ngoài xã hội, thậm chí học tập những cái hay của các nước bạn để mang lại sự phồn vinh cho đất nước Việt Nam ta như Nguyễn Khuyến, Lương Thế Vinh, Chu Văn An, Hồ Chí Minh,...
Hay trong thời đại hiện nay cũng vậy, việc học tập luôn được đề cao. Các bạn học sinh luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập, tham gia các chương trình hoạt động thể thao, du học nước ngoài để tiếp thu thêm nhiều kiến thức của nhân loại. Các anh chị sinh viên, các nhà khoa học luôn tìm tòi và mong muốn tăng lên sự tiến bộ cho đất nước Việt Nam. Chính vì có tinh thần học tập tuyệt vời mà nước ta đã có rất nhiều nhân tài xuất hiện như Ngô Bảo Châu đã thành công trong sự nghiệp toán học và được nhiều người biết đến hay chị Trần Bình Gấm đỗ cả ba trường đại học, hình ảnh của một cô bé bán khoai khi nào nay đã phất phơ trong tà áo trắng của một nữ bác sĩ tương lai. Nhờ có sự học tập, học hỏi mà họ đã đạt được những thành tựu như thế.
Ngay cả trong thơ văn cũng thế, có những câu tục ngữ, ca dao chứa dựng những bài học sâu sắc về việc mở mang kiến thức, trong đó có câu “đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”, hay câu nói của Lênin “học, học nữa, học mãi”... đều nói lên tinh thần học tập một cách vững chắc.
Nhưng cũng có những người cho rằng: “Đi một ngày đàng nhưng có khi chẳng có sàng khôn nào”. Vậy ý kiến trên đúng hay sai? Nó có thể đúng hoặc sai vì nếu bạn chịu khó tìm tòi thì chắc chắn sẽ có được kiến thức, nhưng nếu không có quyết tâm tìm tòi, chỉ biết ỷ lại vào người khác thì cũng sẽ chẳng có một vốn kiến thức nào dành cho bạn cả. Vì vậy phải cố gắng tìm tòi học tập thì mới có kiến thức vững chắc được.
Qua những dẫn chứng trên đã chứng minh cho chúng ta thấy “Việc học tập rất quan trọng nhưng không phải chỉ gói gọn trong môi trường, trường lớp mà ta cần phải học tập thêm những điều thú vị cần học hỏi, biết những điều mà ta chưa biết”. Rút ra bài học cho bản thân, ta nên học hỏi kiến thức bên ngoài xã hội vì nó sẽ mang đến cho ta những ích lợi và kinh nghiệm trong tương lai.
Copyright © 2021 HOCTAP247