Thơ Quê Hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói nhiều đến sự an phận, trầm tĩnh của một con người hành ít tàng nhiều, cuộc đời hầu như gắn liền với thôn dã. Nguyễn Du hẳn trong tâm trí người đọc nỗi đau day dứt, của kẻ xa quê, lênh đênh góc bể chân trời. Thơ Nguyễn Trãi khác hẳn. Con người anh hùng đó, dù buồn phiền, chán nản cho sự nghiệp kinh bang tế thế không trọn vẹn vẫn không nhìn quê hương, nơi dừng chân cuối cùng của đời mình, như một lồng sắt giam lỏng cánh chim bằng. Tấm lòng ông đối với quê hương bao giờ cũng chân thành, hồn hậu, trầm lắng nhưng mãnh liệt. Nguyễn Trãi hội nhập rất nhanh vào đời sống thôn dã tĩnh lặng. Ông không bức bối, buồn phiền nhiều mà còn rất vui, rất tự hào khi thốt lên: Quê cũ nhà ta thiếu của nào (Mạn thuật 13), khi gọi mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông là bạn, khi cho rằng dòng suối ở Côn Sơn là nơi có thể giúp mình gột rửa hết mọi vẩn đục của cuộc đời quan trường. Cái “tâm” của nhà thơ bao giờ cũng trong sáng, vững chãi trước đổi thay dâu bể. Bài Bảo kính cảnh giới 43 là một ví dụ tiêu biểu cho cái “tâm” đó.
Những năm tháng cuối đời là chặng đường đầy gian khổ, thử thách đổi với Nguyễn Trãi. Sự nghiệp củng cố, xây dựng triều đình nhà Lê của ông chưa được thực hiện trọn vẹn. Chốn triều đình đầy hiềm thù, nghi kị. Nơi thôn dã Côn Sơn chỉ là chỗ dừng chân bắt buộc đối với một con người khát khao cống hiến đời mình cho đất nước, dân tộc như Nguyễn Trãi. Thế nhưng, trong thơ ông, bao giờ ta cũng bắt gặp một phong thái ung dung, tự tại, một trái tim yêu đời, yêu người luôn rộng mở, nhạy cảm. Chính nhịp điệu của câu thơ đầu tiên trong Bảo kính cảnh giới 43 giúp ta nhận ra phong thái rất riêng đó: Rỗi hóng mát thuở ngày trường.
Nhịp cắt của câu thơ gợi từng bước đi khoan thai, đĩnh đạc, đầy tự tin và tâm thế nhẹ nhõm, thoải mái của Nguyễn Trãi. Con người đó, tuổi đã cao, thảnh thơi, tự hào, thỏa mãn về sự nghiệp mà mình thực hiện được thời trai trẻ, giờ thì tạm rỗi rảnh, thong dong hóng mát, hòa mình vào cảnh đẹp, vào cuộc đời để thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Phong thái ung dung này hiện diện trong rất nhiều câu thơ khác của Nguyễn Trãi. Nhà thơ Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay (Mạn thuật), Thưởng mai về đạp bóng trăng (Ngôn chí 15), ngồi trên thuyền dạo chơi trong cái thế hứng khởi của gió, của trăng:
“Mái thác trăng dường thế hứng
Buồn nhân gió mặc khi phiêu”
(Tự thuật 31)
Đó là tính cách riêng của Nguyễn Trãi, một người luôn chủ động, tự tin trước mọi hoàn cảnh dù khó khăn buồn phiền nhất mà quả thật là ông đang buồn phiền! Cái thuở ngày trường được nhấn mạnh ở đây không hẳn chỉ là để xác định khoảng thời gian mùa hè như một hiện tượng địa lí. Nó là khoảng thời gian tâm tưởng. Nó bị chi phối bởi cảm giác, bởi nỗi buồn sâu lắng của nhà thơ trong hoàn cảnh bị bắt buộc ở ẩn. Vì là những ngày tháng vô vị, chờ đợi nên nó thăm thẳm, dằng dặc, nó dài một cách khác thường! Dù vậy, với bản lĩnh, nghị lực mạnh mẽ của mình nhà thơ vẫn có thể bình tĩnh, thoải mái trong cái tư thế của một người thưởng ngoạn. Phẩm chất đẹp đẽ đó chỉ có thể được hình thành trong quá trình vượt qua bao nỗi thăng trầm gian nan của một người anh hùng.
Màu xanh lục của cây hòe xum xuê cành lá được nhấn mạnh ngay ở câu thứ 2 và đó là cái nền màu chủ yếu trong bức tranh hè của Nguyễn Trãi. Nó đập vào mắt người đọc đầu tiên bằng ấn tượng mãnh liệt của một màu xanh đậm đặc, của một sức sống đang đùn lên, che mát của một khoảng sân. Có thể cảm nhận được sức sống đó bằng hai từ có mối liên hệ tăng tiến được dồn vào một câu thơ: đùn đùn, rợp. Cảm giác về cái gay gắt của nắng hè không còn nữa, cái rực rỡ của nắng chỉ làm cho màu xanh lục thêm tươi tắn, lóng lánh. Dùng gam màu lạnh mà vẫn tạo cảm giác ấm cúng, sảng khoái bởi lẽ Nguyễn Trãi đã chấm phá trên liền màu ấy những bông hoa lựu đỏ thẫm chợt bật lên bằng một từ phun giàu sức gợi tả và cũng nằm trong mối quan hệ với hai từ độc đáo ở câu trên. Sự tương phản giữa màu đỏ của lựu và màu xanh của hòe tạo tiếp một ấn tượng mới mẻ về sự vận động của màu sắc, sự sống mãnh liệt của hoa lá. Chúng tranh nhau đùn ra, phùn ra tạo một cảm giác choáng ngợp! Hồ Xuân Hương cũng là một nhà thơ nổi tiếng với tài sử dụng màu sắc tương phản gay gắt mà sống động lạ thường: Cửa son đỏ loét bùm bum nóc - Bật đá xanh rì lún phún rêu (Đèo Ba Dội), hay Một trái trăng thu chín mõm mòm - Nảy vừng quê đỏ, đỏ lòm lom (Hỏi trăng 1). Đó là thứ màu không nhàn nhạt như thuốc nước mà đậm đặc, thô ráp ấn tượng chân thật và có sức tác động mạnh mẽ.
Câu 4 thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả trong khung cảnh tĩnh lặng của bức tranh. Quả thật, cảnh phải thật sự tĩnh lặng, người làm thơ phải thật sự đắm mình trong khung cảnh êm đềm mới nhận ra hương sen chỉ còn thoang thoảng đâu đó giữa không gian cuối hè. Tĩnh nhưng thật là (lộng bởi tác giả dùng tĩnh để tả động, dùng thuở êm vắng của ngày trường để tả sức sống của thiên nhiên. Đến câu 5, 6 tác giả lại dùng động để tả tĩnh, khắc họa tiếng lao xao xa xa của người, tiếng dắng dỏi của cầm ve. Những âm thanh ấy lại là bước chuyển, gọi tiếp cho tác giả liên tưởng đến một âm thanh khác, không có thực. Nó nằm trong mơ ước của nhà thơ. Đó là tiếng đàn. Tiếng đàn ấy lại mở tiếp cho người đọc hình dung được những âm thanh khác: tiếng cười nói hạnh phúc của những người dân sống trong cảnh ấm no, thanh bình. Và cũng chỉ có được sự vắng lặng thanh bình, mơ ước của nhà thơ mới được gợi mở, ngân vang thành một tiếng đàn! Nét tinh tế của bài thơ là vậy.
Từ mơ ước đó, ta thấy được cái tâm trong sáng, chân thành luôn chan hòa trong những bài thơ viết về quê hương của ức Trai.
Copyright © 2021 HOCTAP247