Tuần 3 - Tập làm văn: Viết thư - Tiếng Việt 4

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

1.1. Nhận xét

Dựa vào bài tập đọc “Thư thăm bạn”, trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Người ta viết thư để làm gì?

  • Người ta viết thư để thăm hỏi, thông báo tin tức cho nhau, trao đổi ý kiến, chia vui, chia buồn, bày tỏ tình cảm với nhau,…

Câu 2. Để thực hiện mục đích trên, một bức thư cần có những nội dung gì?

  • Để thực hiện mục đích trên, một bức thư cần có những nội dung sau: 
    • Nêu lí do và mục đích viết thư.
    • Thăm hỏi tình hình của người nhận thư.
    • Thông báo tình hình của người viết thư.
    • Nêu ý kiến cần trao đổi hoặc bày tỏ tình cảm với người nhận thư.

Câu 3. Một bức thư thường mở đầu và kết thúc như thế nào?

  • Một bức thư thường mở đầu và kết thúc như sau:
    • Đầu thư: Ghi địa điểm, thời gian viết thư. Lời thưa gửi.
    • Cuối thư: Ghi lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn của người viết thư. Chữ kí và tên hoặc họ tên của người viết thư.

1.2. Ghi nhớ

  • Một bức thư thường gồm những nội dung sau:
    • Phần đầu thư
      • Địa điểm và thời gian viết thư
      • Lời thưa gửi
    • Phần chính:
      • Nêu mục đích, lí do viết thư.
      • Thăm hỏi tình hình của người nhận thư.
      • Thông báo tình hình của người viết thư.
      • Nêu ý kiến trao đổi hoặc bày tỏ tình cảm với người nhận thư.
    • Phần cuối thư
      • Ghi lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn của người viết thư.
      • Chữ kí và tên hoặc họ tên của người viết thư.

1.3. Hướng dẫn luyện tập

Đề bài. Viết thư gửi một bạn ở trường khác để thăm hỏi và kể cho bạn nghe tình hình lớp và trường em hiện nay.

Gợi ý làm bài

1. Dàn ý chung

a. Phần đầu thư

  • Nơi viết ngày tháng năm
  • Lời xưng hô

2. Phần chính thư

  • Đoạn 1
    • Nêu mục đích, lí do viết thư
  • Đoạn 2
    • Thăm hỏi tình hình của người nhận thư: Sức khỏe, học hành, bạn bè, gia đình,…
  • Đoạn 3
    • Kể cho bạn nghe về tình hình học tập của mình: Sức khỏe, học hành, bạn bè, gia đình.
  • Đoạn 4
    • Kể tình hình của trường, lớp: Sự thay đổi về trường, học tập, thầy cô, bạn bè,….
    • Nêu ý kiến trao đổi với người nhận thư

3. Phần cuối thư

• Lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn

• Chữ kí và tên hoặc họ tên.

2. Thư mẫu

Đề bài: Viết thư gửi một người bạn ở trường khác để hỏi thăm bạn và kể cho bạn nghe tình hình ở lớp ở trường em hiện nay.

Ninh Hòa, ngày 23 tháng 08 năm 2017

Hải Như mến!

Vậy là chúng mình xa nhau một học kì rồi phải không Hải Như nhỉ. Cả mình và Như đều lười viết thư cho nhau. Không một lí do nào có thể biện hộ cho sự lười biếng ấy của chúng ta. Hôm gặp Bạch Kim ở cửa hàng bách hóa, Bạch Kim chuyển lời thăm sức khỏe của Như đến mình. Thú thực mình vui lại vừa buồn. Mình định rằng đợi một thời gian nữa bắt Như phải viết thư "xin lỗi" lúc đó mình mới chịu hồi âm cho cậu. Thế mà ráng không được vì đã biết địa chị của Như nên "đành phải" quá bộ đến thăm Như trước.

Hải Như thân mến!

Có được khỏe luôn không? Học hành thế nào rồi? Hỏi vậy thôi chứ mình biết sức học của Như rồi. Có bao giờ cậu chịu đựng sau ai bao giờ đâu. Hồi ở cái thị xã "quê mùa" này, Hải Như đã là một học sinh xuất sắc thì lên thành phố, dù có nhiều nhân tài đi chăng nữa thì cậu nhất định phải ở trong cái tốp ten đó, phải không? À cô bé Hải Vân - em cậu - đã vào lớp Một chưa? Nó còn bụ bẫm không và ngoan ngoãn chứ?

Giờ thì mình kể vài nét tình hình của lớp mình cho Như nghe nhé. Phong trào học tập vẫn như hồi nào cậu ở đây: Chăm, ngoan, sôi nổi nhưng nghịch ngợm vào loại nhất nhì khối. Ngay từ đầu năm học, tụi mình đã tự động tổ chức học thêm một tuần ba buổi, nhờ cô Hà chủ nhiệm lớp 4A của mình bồi dưỡng tại nhà Bạch Kim đấy. Còn hai buổi trong tuần thì học cá nhân. Chất lượng giữa học kì vừa qua, đứng đầu toàn khối. Các thầy cô giáo đều khen 4A học giỏi và ngoan. Giá có Hải Như cùng học thì vui biết chừng nào! Nhưng cuộc sống mà Như! Có phải cái gì mình muốn cũng đều thực hiện được cả đâu. Cái chính là ở tình bạn. Dù xa nhau nhưng bao giờ cũng nghĩ về nhau, mong cho nhau những điều tốt đẹp. Thế là quý rồi, phải không Như?

Cho mình tạm dừng ở đây. Chúc Như và những người bạn mới của Như luôn vui khỏe, học giỏi. Nhớ hôn hộ mình bé Hải Vân nhiều nhiều nhé

Bạn thân của Hải Như

  • Thông qua bài giảng Tập làm văn: Viết thư, các em cần nắm được những nội dung kiến thức và kĩ năng trọng tâm và tiêu biểu như:
    • Hiểu được mục đích của việc viết thư.
    • Biết được nội dung và kết cấu thông thường của một bức thư.
    • Biết viết những bức thư thăm hỏi, trao đổi thông tin đúng nội dung, kết cấu lời lẽ chân thành, tình cảm.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng sau để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo: Tập đọc: Một người chính trực

Copyright © 2021 HOCTAP247