Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Viết bài tập làm văn số 6 - Văn nghị luận Phân tích những thành công nghệ thuật của Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc

Phân tích những thành công nghệ thuật của Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Phân tích những thành công nghệ thuật của Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc

Không những là thành công nghệ thuật “vô tiền khoáng hậu” ở thể loại văn tế mà còn là kiệt tác của nền văn học dân tộc. Có thể nêu lên một số thành công nghệ thuật của bài văn tế kiệt tác này.

Ngôn ngữ giản dị, dân dã, có sức mạnh gợi cảm, có giá trị thẩm mĩ cao. Tác giả sử dụng những từ ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ: cui cút làm ăn, treo dê bán chó, tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo, chia rượu lạt, gặm bánh mì, mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy tìm chồng,… Điều này làm cho lời văn trở nên gần gũi với mọi người.
 
Những hình tượng nghệ thuật, những liên tưởng so sánh đậm chất Nam Bộ và vì vậy cũng giàu chất hiện thực. Tác giả dùng lối ví von so sánh rất quen thuộc với cuộc sống của người làm ruộng, rất phù hợp với nếp cảm, nếp nghĩ của nông dân
(trông tin quan như trời hạn trông mưa; ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ).
 
Khi khắc họa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ, người viết không sử dụng bút pháp ước lệ rất phổ biến trong văn học trung đại mà hoàn toàn sử dụng bút pháp hiện thực. Hình tượng người nông dân chân thực từ dáng vẻ bề ngoài (ngoài cật có một manh áo vải, trong tay cầm một ngọn tầm vông), đến cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày (chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ; việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm), chân thực từ cách suy nghĩ (ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ), đến hành động (đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có).

Nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất thành công: biểu tượng (súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ), so sánh (trông tin quan như trời hạn trông mưa, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ), đặc tả (đạp rào lướt tới, xô cửa xông vào),.. Đặc biệt phép đối được sử dụng rộng rãi, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Đối từ ngừ: trống kì/ trống giục, lướt tới / xông vào, đâm ngang/ chém ngược, hè trước/ó sau… Đối ý: ta (manh áo vải, ngọn tầm vông) địch (đạn nhỏ, đạn to, tàu sắt, tàu đồng); vũ khí thô sơ (rơm con cúi, lưỡi dao phay)/ chiến thắng lớn (đốt xong nhà dạy đạo, chém rớt đầu quan hai) v.v… Những phép đối nói trên đã khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người nông dân nghĩa sĩ.
 
Giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với những nội dung biểu đạt, trạng thái cảm xúc, trên nền âm hưởng chủ đạo là thống thiết. Khi gợi lại cuộc sống lam lũ, nghèo khó của người nông dân, giọng văn bùi ngùi, trầm lắng: cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở làng bộ.
 
Khi tái hiện trận công đồn, nhịp điệu cầu văn nhanh, mạnh, dồn dập, khắc họa những hành động khẩn trương, quyết liệt, gợi tả khí thế sôi động, tâm trạng hào hứng, hả hê: kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ.
 
Khi ca ngợi những người nghĩa sĩ xả thân vì nước, lời văn trang trọng, tự hào: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời, ai cũng mộ.
 
Giọng điệu bài văn tế khi là tiếng khóc đau thương, khi là lời khẳng định ngợi ca mang âm hưởng sử thi đã góp phần khắc họa bức tượng đài người nông dân nghĩa sĩ với vẻ đẹp bi tráng.

Copyright © 2021 HOCTAP247