Chứng minh luận điểm: Để có được thành công chúng ta phải bỏ ra rất nhiều mô hôi công sức
Để có được thành công, con người phải không ngừng học hỏi, tìm kiếm, thậm chí phải đổ cả mồ hôi, nước mắt. Để động viên mọi người học tập, phấn đấu, ngạn ngữ xưa từng có câu: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào". Đây chính là bài học kinh nghiệm mà người xưa muốn gửi gắm cho thế hệ mai sau.
"Học vấn" là một vấn đề đáng quan tâm nhất của mọi thời đại. Để phát triển, con người phải không ngừng học hỏi, khám phá để chinh phục những chân trời đầy bí ấn. "Học vấn" là học hỏi, là sự tìm tòi, khám phá và là con đường chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Những con đường chiếm lĩnh ấy không bằng phẳng. "Chùm rễ đắng cay" ở đây là hình ảnh nói đến sự vất vả, khổ cực. "Rễ" là cái gốc, cái xuất phát, cái khó khăn vất vả con người. "Chùm rễ đắng cay" được hiểu là những gian khổ khó khăn, có khi là sự thất bại cay đắng. Hình ảnh này tượng trưng cho những bước kiếm tìm, khám phá. Để đạt được mục đích, con người phải miệt mài vượt qua bao thử thách.
Đối lập với "đắng cay" là một kết quả "ngọt ngào". Như một quy luật tất yếu "trồng cây đến ngày hái quả" - thứ quả mà con người trồng bằng bao đắng cay, gian khổ cũng đến ngày chín. "Hoa quả ngọt ngào" là cụm từ chỉ thành quả của một quá trình học tập, nghiên cứu để làm chủ tri thức. "Ngọt ngào" cũng là từ nói về cảm giác. Thú vị là cảm giác "đắng cay" nói về rễ, còn "ngọt ngào" nói về "hoa quả", đó đều là những cảm giác có thật, và ở đây chúng được dùng theo nghĩa ẩn dụ. "Hoa quả ngọt ngào" tượng trưng cho những thành quả mĩ mãn, đúng như mong ước. Đó là những kết quả vinh quang và hiển hách, là sự đền bù xứng đáng cho những con người biết vượt khó.
Bằng cách nói đầy hình ảnh, câu ngạn ngữ đã làm thành một lời nhắc nhở, khuyên răn: muốn thành công, con người phải trải qua vô vàn gian khó. Càng khó khăn bao nhiêu thì cái đích thắng lợi càng vinh quang bấy nhiêu. Tục ngữ xưa cũng từng khuyên: "Có công mài sắt có ngày nên kim". Người xưa khuyên chúng ta phải kiên trì, học tập, tu dưỡng, biết chờ đợi, biết cách vượt lên mọi khó khăn thì thành công nhất định sẽ tới.
Chân trời kiến thức của nhân loại tuy bao la vô tận, để chinh phục được nó không phải là điều dễ dàng. Có người phải bỏ cả tuổi thanh xuân của mình, có người phải hi sinh tình cảm riêng tư, có khi phải đổ mồ hôi, xương máu... để thử nghiệm một vấn đề nào đó. Và không phải bao giờ cũng thành công. Nhiều người trong số họ đã phải chịu thất bại cay đắng. Nhưng cũng có nhiều người cuối cùng đã thành công. Bù lại những công lao và cả sự mất mát, họ sẽ hái được "hoa quả ngọt ngào". Nguyễn Ngọc Kí từng là một cậu bé bị liệt hai tay, nhưng cậu đã dùng đôi chân để tập viết. Nhiều lúc cậu tưởng chừng bỏ cuộc. Nhưng bằng nghị lực phi thường Nguyễn Ngọc Kí đã thành công.
Mạc Đỉnh Chi từng là cậu bé nhà quê học bằng ánh đèn đom đóm, nhưng cuối cùng đã thành tài, đỗ Trạng Nguyên. Để có được sự thành công đó, Mạc Đỉnh Chi đã không quản khó khăn, học tập và rèn luyện với một nghị lực phi thường. Phải nói rằng, nghị lực con người sẽ làm nên tất cả.
Hiện nay trong nhà trường, học sinh được trang bị kiến thức bằng nhiều môn học, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Văn, Sử, Địa, Lí, Hóa, Toán, Anh... Đó chính là cơ hội tốt để học sinh tự trang bị cho mình những kiến thức trước khi bước vào đời.
Dù có khó khăn đến đâu cũng phải phấn đấu để học tốt.
Ý nghĩa của câu ngạn ngữ vô cùng to lớn, nó giúp chúng ta biết tin vào ngày mai, tin vào cuộc sống. Dù ngày hôm nay, chúng ta vất vả và học hành, nhưng ngày mai chúng ta có kiến thức để vào đời.
Có thể nói, câu ngạn ngữ là lời dạy, khuyên nhủ, cũng là lời tâm tình của người xưa dành cho chúng ta hôm nay. Đó là bài học kinh nghiệm mà bao thế hệ đi trước đã đúc kết nên. "Học không bao giờ là muộn", vì "học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào".
Copyright © 2021 HOCTAP247