Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong "Cảnh ngày xuân"

Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong "Cảnh ngày xuân"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên mùa xuân của Nguyễn Du trong đoạn trích "Cảnh ngày xuân"(

Hướng dẫn giải

   Đoạn trích "Cảnh ngày xuân" là một tác phẩm hay, độc đáo, rất tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên của đại thi hào Nguyễn Du. Đoạn trích nằm ngay sau đoạn tả tài, tả sắc của chị em Thúy Kiều. Qua đoạn thơ, Nguyễn Du dựng lên bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân trong tiết Thanh minh thật tươi sáng, sống động. Nhà thơ đã khéo léo kết hợp bút pháp tả và gợi với những chi tiết mang tính ước lệ mà vẫn vô cùng chân thực, giàu tính chất tạo hình và biểu cảm, ngôn ngữ trong sáng, trau chuốt để miêu tả khung cảnh ngày xuân.

   Trước hết là bốn câu thơ đầu , với nghệ thuật chấm phá độc đáo tả ít gợi nhiều, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, giàu sức xuân:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

   Hai câu thơ đầu vừa có sức gợi về thời gian, lại vừa có sức gợi về không gian. Ngày xuân thấm thoát trôi qua thật nhanh như thoi đưa. Cả mùa xuân có chín mươi ngày thì nay đã qua tháng giêng, tháng hai và bước sang tháng thứ ba. Ánh sáng của ngày xuân nhẹ nhàng, trong veo, lan tỏa, trải dài khắp muôn nơi. Trên nền trời cao là những đàn chim én mùa xuân đang chao nghiêng bay lượn. Dưới mặt đất là một thềm cỏ xanh non bất tận chạy ra xa tít tắp. Động từ “tận” làm cho không gian mùa xuân như đang giãn nở, ngày càng mở rộng ra biên độ và bao trùm cả không gian xuân là một màu xanh biếc của cỏ lá. Trên nền cỏ xanh tươi ấy là những bông hoa lê điểm vài sắc trắng gợi lên sự tinh khôi, mới mẻ. Biện pháp đảo ngữ có tác dụng tô đậm thêm và làm nổi bật hơn sức trắng của hoa lê trên nền cỏ mùa xuân. Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn nhưng dưới ngòi bút và cách miêu tả thần tình, Nguyễn Du đã tạo nên một bức tranh xuân tinh khôi, trong trẻo, thanh khiết và giàu sức sống, mang đậm hơi thở của hồn xuân đất Việt.

   Đến sáu câu thơ cuối, bằng nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình", Nguyễn Du đã miêu tả thời điểm kết thúc của ngày hội xuân thấm đượm hồn người một chút buồn xao xuyến. Đây vừa là tả thực, lại vừa nhuốm màu tâm trạng nhân vật trữ tình trong thơ.

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

   Cảnh vẫn mang cái dịu nhẹ, êm đềm của ngày xuân nhưng bóng dương đã “tà tà ngả về tây”. Cảnh vật như trở nên nhạt dần đều, cái khung cảnh rộn rã, náo nức, tưng bừng lúc sáng sớm ngày xuân đã phải nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, yên ả. Không gian xuân co gọn lại theo ánh sáng của bầu trời hoàng hôn chứ không mở ra rộng lớn, mênh mông, vô tận như ở bốn câu thơ đầu. Tất cả đều thu nhỏ trong bước chân của người ra về. Phong cảnh thì "thanh thanh" nhẹ nhàng, dòng nước tiểu khê thì uốn quanh "nao nao" và chiếc cầu "nho nhỏ" thì "bắc ngang" cuối ghềnh. Cảnh thực đẹp, rất giàu chất thơ, chất họa, phảng phất một nỗi buồn lưu luyến, bịn rịn, bâng khuâng của lòng người. Đồng thời gieo vào lòng người đọc những linh cảm về một điều sắp sửa xảy ra, như là sự dự báo trước cuộc gặp gỡ nấm mồ Đạm Tiên và sự gặp gỡ của hai con người trai tài gái sắc: Thúy Kiều – Kim Trọng. Tóm lại, với bút pháp tả cảnh ngụ tình, kết hợp với việc sử dụng hệ thống những từ láy, hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu cảm, tác giả đã khắc họa bức tranh chiều tà trong ngày hội xuân thấm đượm tâm trạng của con người nhân vật. Qua đó cho thấy được tài năng nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người của Nguyễn Du.

   Nếu như ở bốn câu thơ đầu, bức tranh thiên nhiên mùa xuân vào lúc sáng sớm hiện lên căng tràn, đầy nhựa sống, bao la, vô tận trong màu sắc xanh non, biếc rờn của cỏ cây thì đến sáu câu cuối, bức tranh xuân khép lại trong ánh sáng nhạt nhòa của ánh nắng chiều yếu ớt ngả về phía tây, co gọn lại thực nhỏ bé và nhuốm màu sắc tâm trạng con người. Cảnh chuyển rất tự nhiên và hợp lý.

   Tóm lại, qua việc phân tích ở trên, chúng ta thấy được nghệ thuật miêu tả thiên nhiên rất độc đáo, giàu sức gợi của nhà thơ. Đó là một bức tranh mùa xuân giàu chất thơ, chất họa, rất sống động, nhịp nhàng.

Mời bạn tham khảo các bài soạn văn và phân tích khác:

Phân tích đoạn trích "Cảnh ngày xuân"

Phân tích đoạn trích "Cảnh ngày xuân" (Bài 2)

Cảm nhận 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân (Bài 2)

Phân tích 6 câu thơ cuối bài Cảnh ngày xuân

Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong "Cảnh ngày xuân"

Cảm nhận bốn câu thơ đầu đoạn trích "Cảnh ngày xuân"

Phân tích sáu câu thơ cuối đoạn trích "Cảnh ngày xuân"

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Copyright © 2021 HOCTAP247