Đề bài: Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang
Hồn thơ Huy Cận trước cách mạng là một hồn thơ u hoài, sầu muộn, bài thơ nào cũng phủ đầy một nỗi buồn mênh mang về con người, về thời thế. Cái tôi trữ tình hiện lên u hoài, ảm đạm. Bài thơ Tràng giang trong tập Lửa thiêng có thể coi là tác phẩm thể hiện rõ nhất cái tôi man mác buồn, man mác sầu của Huy Cận trước cách mạng tháng tám.
Mở đầu tác phẩm là lời đề từ thấm đẫm tâm trạng và nỗi cô đơn: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Câu thơ đề từ chính là mạch nguồn, khơi gợi mọi cảm xúc trong lòng Huy Cận. Buâng khuâng nhớ về quá khứ, nhớ trời rộng sông dài khi đất nước còn độc lập. Cái bâng khuâng ấy có ẩn chứa cả nỗi buồn, nỗi cô đơn vô tận. Và từ đây mạch cảm hứng, mạch của xúc của Huy Cận đã được triển khai. Mở đầu bài thơ là không gian sông nước điệp điệp, rộng lớn:
Sóng gợn tràng gian buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Con sóng nhỏ, chỉ gợn đôi chút trên “tràng giang” ấy vậy mà lại điệp điệp, có thể lan tỏa, rộng đến không ngờ. Sóng không chỉ gợn trên sông mà đó còn là sóng lòng của nhân vật trữ tình, những con sóng lòng ấy cứ chồng lên, nối tiếp nhau trải ra mãi. Nỗi buồn càng đậm sắc hơn khi con thuyền lẻ loi, đơn độc trôi trên sông mênh mang. Cái nhìn tâm trạng đã thấm dần sang cảnh vật, một nỗi buồn, cô đơn man mác bảng lảng đâu đây:
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
“Thuyền về” chỉ còn nước ở lại, nỗi sầu trăm ngả cứ thế nhân lên mãi. Hai sự vật có vận động trái chiều nhau, thuyền về, nước ở nhấn mạnh vào sự chia li, xa cách, không gian vốn đã cô quạnh, lại càng trở nên đơn côi, rợn ngợp hơn. Nếu nước và thuyền gợi cho người đọc sự xa cách, thì củi lạc mấy dòng lại cho ta thấy sự chênh chao, vô định của con người giữa dòng đời đầy bất trắc. Cái tôi trữ tình trở nên đơn lẻ, lạc lõng giữa những con sóng cuộc đời. Chỉ bằng hình ảnh hết sức chân thực, nhưng Huy Cận đã gợi lên thân phận lạc lõng, đơn lẻ của cả một khiếp người.
Khổ thơ thứ hai mở ra, nỗi cô đơn càng lắng sâu hơn nữa: “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Các từ lơ thơ, đìu hiu gợi nên cái tan tác, tàn tạ của cảnh vật. Huy Cận gắng tìm kiếm âm thanh sự sống trong không gian đó, nhưng nhận lại chỉ là tiếng chợ chiều vãn từ đâu vọng lại nghe không còn rõ, đó cũng có thể là âm thanh do chính ông tưởng tượng ra trong nỗi cô đơn chất chồng. Nghệ thuật đối được sự dụng vô cùng đắc dụng: nắng xuống – trời lên, sông dài – trời rộng, kết hợp với ngôn từ độc đáo “sâu chót vót” “bến cô liêu” đã có thấy sự vận động trái chiều của những sự vật trong thiên nhiên, đồng thời nhấn mạnh nỗi cô đơn, trống trải trong tâm hồn thi nhân.
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Hình ảnh cánh bèo trong văn học vốn gợi thân phận lênh đênh, trôi dạt của người phụ nữ. Còn đối với Huy Cận, cánh bèo nối hàng không biết trôi về đâu chính là thận phận của kiếp người lênh đênh, phiêu dạt, của số phận nhân dân ta trong cảnh mất nước. Giữa cái không cùng của vũ trụ, mọi sự vật đều trở nên nhỏ bé, đơn độc đến đáng thương. Mong một chuyến đò đâu chỉ là chở người ta qua sông, mà chuyến đò ấy còn mang đi biết bao nỗi niềm, tâm sự của nhân vật trữ tình. Vậy mà mênh mông không một chuyến đò ngang, chỉ có những bờ xanh lặng lẽ nối tiếp với bãi vàng, trải dài đến vô tận. Trước khung cảnh hoang vắng, tĩnh mịch, nỗi cô đơn của con người càng sâu đậm hơn. Nhu cầu tìm hơi ấm tình người nhưng chỉ gặp phải sự hoang vu, lạnh lẽo của cảnh vật. Buồn lại càng buồn hơn.
Bốn câu thơ cuối đã nhấn mạnh và thể hiện đầy đủ nhất tâm trạng của nhân vật trữ tình:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Bức tranh thiên nhiên hiện lên tuyệt đẹp, những đám mây lớn đùn lên cao, cùng với ánh hoàng hôn tạo nên khung cảnh kĩ vĩ, tuyệt diệu. Nhưng ngọn núi bạc ấy cao bao nhiêu lại trở nên cô độc bấy nhiều, cũng như nỗi buồn của người thi nhân giữa đất trời. Trong ánh hoàng hồn, trong khoảnh khắc của ngày sắp tàn, bóng chim nhỏ xuất hiện, như bị không gian nuốt chửng. Dấu chấm đặt giữa hai vế câu đem đến nhiều cách hiểu, là cánh chim nghiêng đi vì bóng chiều nặng trĩu, hay bóng chiều phải sa xuống trước cánh chim. Dù hiểu theo cách nào ta vẫn cảm nhận được đầy đủ sự cô đơn, lạc loài của cánh chim giữa vũ trụ bao la, rợn ngợp. Giữa khung cảnh ấy là nỗi buồn khắc khoải của kẻ tha hương:
Lòng quê dờn dợn vợi con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Câu thơ khiến ta nhớ đến câu thơ của Tô Hiệu: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Dù được lấy từ tứ thơ cổ, nhưng câu thơ của Huy Cận vẫn rất mới, rất hiện đại. Nỗi nhớ quê hương da diết, khắc khoải được nhân vật trữ tình bộc lộ một cách trực tiếp. Đằng sau nỗi nhớ quê còn là lòng yêu nước sâu kín mà mãnh liệt của nhân vật trữ tình.
Với ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, linh hoạt trong cách dùng từ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại, Huy Cận đã đem đến cho người đọc một bài thơ vô cùng đặc sắc. Bài thơ đã phản ánh tâm trạng, nỗi buồn da diết, khắc khoải của cái tôi trữ tình trước cuộc đời, trước nhân thế. “Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông, đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn, Tổ quốc” (Xuân Diệu)
Copyright © 2021 HOCTAP247