Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu:
"Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời!
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người"...
Viết về lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và của dân tộc, thi sĩ Tố Hữu có một số bài thơ kiệt tác như: "Hồ Chí Minh", "Sáng tháng năm", "Cánh chim không mỏi", "Bác ơi!", "Theo chân Bác",v.v... Ông còn có một số câu thơ, đoạn thơ rất hay viết về Bác Hồ in trong các bài thơ như: "Ta đi tới", "Việt Bắc", "Ba mươi năm đời ta có Đảng",...:
"Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ"
("Ta đi tới")
"Bạc phơ mái tóc người Cha
Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người".
("Ba mươi năm đời ta có Đảng")
Đoạn thơ dưới đây trích trong bài thơ "Việt Bắc" đã thể hiện nỗi nhớ, lòng kính yêu, tình lưu luyến của đồng bào các dân tộc đối với Bác Hồ khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở lại thủ đô Hà Nội sau hơn ba ngàn ngày khói lửa:
"Mình về với Bác đường xuôi
...
Người đi rừng núi trông theo bóng Người"...
Hai chữ "thưa giùm" là cách nói đậm đà của dân gian. Vì xa cách nên phải "thưa giùm", gửi lời yêu thương, kính nhớ "không nguôi nhớ Người". Nhớ không nguôi là nhớ da diết, nhớ day dứt triền miên. Kể từ ngày Người ở hải ngoại trở về Pắc Bó, Cao Bằng ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng (1941 – 1954), Bác đã sống và hoạt động giữa núi rừng Việt Bắc "Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng". Bác về lại Thủ đô, nên đồng bào Việt Bắc mới có nỗi nhớ ấy:
"Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người"...
Chữ "nhớ" là cảm xúc chủ đạo, thấm sâu trong lòng người, tỏa rộng trong không gian, thời gian, và đã in đậm trên từng vần thơ của Tố Hữu.
Người đã về xuôi nhưng "ta" vẫn nhớ không nguôi. Nhớ cặp mắt "sáng ngời" của Bác, nhớ màu "áo nâu" dân dã Người vẫn mặc, nhớ chiếc "túi vải" mà Người vẫn mang theo bên mình khi đi công tác, khi đi chiến dịch:
"Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời!
Áo nâu túi vải đpẹ tươi lạ thường!".
Các hoán dụ nghệ thuật (mắt, áo nâu, túi vải) tượng trưng cho sự thông minh, tài trí, đời sống giản dị của Bác Hồ kính yêu. Các chữ: "sáng ngời", "đẹp tươi lạ thường!" đã gợi lên cái thần thái và cốt cách lão thực của Ông Cụ, một con người xuất chúng đã kết tinh những tinh hoa văn hóa cổ kim đông tây. Bức truyền thần Hồ Chí Minh như được vẽ bằng màu sắc và ánh sáng tuyệt đẹp. Tố Hữu đã nhiều lần nói về chiếc áo nâu của lãnh tụ. Một đời sống giản dị đáng yêu vô cùng:
"Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà".
("Sáng tháng Năm")
"Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn".
("Bác ơi")
Và đôi mắt Bác Hồ, đôi mắt ấm áp tình thương, đôi mắt lạc quan yêu đời, đôi mắt của niềm tin dào dạt:
"Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người Cha, đôi mắt mẹ hiền sao!
(…) Không có gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi".
("Sáng tháng Năm")
Bốn câu thơ tiếp theo thể hiện một nét đẹp, một phẩm chất cao quý của lãnh tụ, đó là phong thái ung dung tự tại của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại mang cốt cách nhà hiền triết phương Đông:
"Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người"...
Bức chân dung Ông Cụ được vẽ bằng những nét vẽ động và sự phối sắc thần tình. Lãnh tụ xuất hiện trên yên ngựa, "trên đường suối reo" với phong thái ung dung, với tư thế đĩnh đạc "bước lên đèo". Cái nền của bức tranh rất đẹp. Có màu trắng nhạt của "tinh sương". Có màu lóng lánh trong xanh của "suối reo". Có màu rất đất đỏ của con "đèo". Và có màu xanh của rừng núi Việt Bắc. Điệp ngữ "nhớ" là tâm trạng nghệ thuật đồng hiện trong một không gian nghệ thuật đầy màu sắc và âm thanh (suối reo). Núi rừng được nhân hóa nói lên thật cảm động tình lưu luyến của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ kính yêu: "Người đi rừng núi trông theo bóng Người".
Đoạn thơ trên đây là bức tranh lụa truyền thần tuyệt tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tài trí thông minh, giản dị, ung dung tự tại là cái thần của bức chân dung Ông Cụ. Điệp ngữ "nhớ" được kết hợp với các từ ngữ biểu cảm khác như: "không nguôi nhớ Người", "trông theo bóng Người" đã diễn tả một cách chân thật cảm động mối quan hệ thân thiết tốt đẹp giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa Bác Hồ với đồng bào Việt Bắc. Ngòi bút Tố Hữu rất giàu có khi nói về lãnh tụ: Bác, Người, Ông Cụ, một cách nói vừa thành kính trang trọng, vừa dân dã đã bình dị.
Tình cảm là suối nguồn vô tận của thi ca. Tình cảm tạo nên hồn thơ, hương vị thơ. Tố Hữu đã viết lên những vần thơ dung dị, đậm đà ca ngợi những phẩm chất cao quý của lãnh tụ thiên tài của dân tộc với tất cả niềm kính yêu và lòng tự hào sâu sắc. Hình ảnh Bác Hồ càng trở nên thân thiết yêu thương đối với mỗi con người Việt Nam. Đoạn thơ biểu hiện cao độ vẻ đẹp nghệ thuật và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
Copyright © 2021 HOCTAP247