Xác định đoạn trích trong SGK là phần mở đầu và phần một của bài thơ - phần tái hiện một giai đoạn gian khổ, vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. Toàn phần trích là sự tái hiện những kỉ niệm thân thiết và đẹp của Việt Bắc qua nỗi nhớ của người ra đi - chủ thể trữ tình.
1. Kết cấu của bài thơ theo lối hát giao duyên (đối - đáp) của hai nhân vật trữ tình xưng (mình - ta). Nội dung câu “hát” là tình nghĩa cách mạng giữa chiến khu Việt Bắc và người cán bộ về xuôi. Lời đối đáp uyển chuyển giao hòa thành lời đồng vọng trong tâm hồn của mỗi người vì cả hai đều là người kháng chiến.
Lời người ở lại (Việt Bắc): Mình về có nhớ Việt Bắc không có thủy chung với Việt Bắc không?
Tâm trạng người ra đi (người cán bộ cách mạng): “bâng khuâng”, ‘bồn chồn” vì đã có với Việt Bắc biết bao kỉ niệm “thiết tha mặn nồng” trong “mười lăm năm ấy”. Với nhà thơ, Việt Bắc đã là quê hương cách mạng, cội nguồn cách mạng.
2. Việt Bắc được tái hiện qua nỗi nhớ của nhà thơ - người về xuôi - ở 3 phương diện:
Phong cảnh và con người Việt Bắc, sinh hoạt của cán bộ và nhân dân Việt Bắc: cảnh đẹp và thi vị - đặc trưng của miền núi rừng Việt Bắc (chọn hình ảnh cái bếp lửa nhà sàn, ánh trăng rừng, hoa chuối, hoa mơ; tiếng ve kêu, tiếng mõ, tiếng chày nước giã gạo…). Con người Việt Bắc đáng yêu vì sống có tình có nghĩa, cần cù, nhẫn lại, chịu đựng hi sinh để che chở nuôi nấng cán bộ (chia sẻ bắp ngô, củ sắn, “địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”, “người đan nón”, “cô em hái măng”.... Sinh hoạt của đồng bào và cán bộ cách mạng cực kì thiếu thốn nhưng rất lạc quan. Cần chọn ra những đoạn thơ hay, những hình ảnh đẹp để phân tích (từ dòng 25 đến 52).
Việt Bắc đánh giặc và có nhiều chiến công: chú ý những câu thơ diễn tả khí thế của quân dân Việt Bắc
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Những thủ pháp hoán dụ, đối lập, điệp từ, điệp âm, thâm xưng giúp người đọc hình dung những chiến công gần như là trong 9 năm chống Pháp của Việt Bắc và cũng là của quân dân ta. Ở đoạn thơ này (từ dòng 53- 74) nhắc lại những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi… ghi lại những trận đánh từ nhỏ đến lớn và ngày càng vang dội đến kết thúc thắng lợi.
Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc và là đầu não của cuộc kháng chiến: Nơi đây “Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công” trong những năm kháng chiến trường kì gian khổ. Trong 2 đoạn thơ cuối nên chú ý đến 4 dòng
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
vì đây là ý thơ khẳng định vị trí quan trọng của Việt Bắc, lòng tin của toàn dân toàn Đảng đối với vị lãnh tụ kính yêu mà nhà thơ gọi một cách vừa tôn kính vừa thân thương là cụ Hồ. Để khắc sâu tình cảm và ấn tượng trên, có thể phân tích thủ pháp đối lâp (Ở đâu u ám - Cụ Hồ sáng soi) điệp từ (ở đâu….ở đâu)
Việt Bắc là một bài thơ có màu sắc dân tộc đậm đà, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
Đoạn trích Việt Bắc đậm đà tính dân tộc. Màu sắc dân tộc thấm đượm từ nội dung đến hình thức nghệ thuật, đặc biệt ở tình cảm của nhân vật trữ tình. Có thể tìm thấy một số biểu hiện chính:
Việc tái hiện cuộc sống chiến đấu của quân, dân, và lãnh tụ ở Việt Bắc
Thể thơ lục bát quen thuộc với dân tộc, được quần chúng ưa thích, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát dễ ngâm.
Giọng thơ ngọt ngào, tâm tình khiến bài thơ như một bản tình ca về lòng chung thủy sắt son của người cách mạng và càng đọc lại càng thấy gắn bó với nhân dân, quê hương, đất nước, và với đảng, với Bác Hồ.
Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Tính dân tộc của Việt Bắc làm cho bài thơ này có sức ngân vang tiêu biểu cho một thời lịch sử đáng nhớ của đất nước.
- Theo Cùng học vui -
Copyright © 2021 HOCTAP247