Phân tích hình ảnh sông Hương qua đoạn trích "Ai đã đặt tên cho dòng sông" (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Đoạn trích có hai phần với hai nội dung chính riêng, phân biệt bằng dấu sao. Phần đầu dành cho những dòng bình luận, suy ngẫm về cảnh quan tự nhiên của sông Hương và những cảnh quan nhân tạo hai bên bờ dòng sông: phần thứ hai viết về lịch sử và văn hóa đôi bờ sông Hương.
Nhà văn sử dụng ngôn ngữ tự sự nhưng không phải là tự sự về một đối tượng của khoa Địa lí học mà như kể về một sinh thể, một cô gái. Và song song một dòng mạch trữ tình theo tuyến tự sự. Kể, tả và bình luận được kết hợp nhuần nhuyễn làm nên chất tùy bút đặc trưng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Để viết thiên tùy bút nhà văn phải là người rất am hiểu và có tình cảm gắn bó thân thiết với dòng sông. Nhưng để tác phẩm thành công, tác giả phải có tài năng văn chương thực sự.
Sông Hương từ dải Trường Sơn đổ ra biển Đông có hai chặng khác nhau. Chặng thứ nhất từ ngọn nguồn trên sườn Đông dải Trường Sơn quanh qua các dải đồi núi; chặng thứ hai, khi mặt nước dòng sông đã phẳng lặng dần đến khi gặp chùa Thiên Mụ là bắt đầu tìm đúng đường về thành phố. Nhà văn ngược lên tận ngọn nguồn con sông để nhận diện nó rồi xuôi theo dòng để quan sát nó lượn quanh thành phố Huế. "Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng". Và kết quả là một phát hiện "Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di gan phóng khoáng và man dại". Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già.. và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Đây là những so sánh nhân cách hóa thật đặc sắc. Nhiều tên gọi các dòng sông gắn với hình ảnh người mẹ (sông Mê Kông và sông Hồng - còn gọi là sông Cái - đều là những sông Mẹ), nhưng tác giả đã thích so sánh sông Hương với người thiếu nữ.
Người viết lần theo dòng chảy con sông không phải với tư cách là nhà địa lí, hay người đi vẽ bản đồ mà là như một chàng trai khám phá tính cách của cô gái. Từ góc nhìn đó, những tưởng tượng và so sánh thú vị xuất hiện. Dòng sông như một cô gái đẹp đã nằm ngủ từ bao đời giữa cánh đồng hoang dại của Châu Hóa rồi đến khi có "người tình mong đợi" đã đến đánh thức người đẹp" - người tình đây hẳn là thành phố Huế, song sự xuất hiện của Huế lại gắn liền với con người để hiện thực hóa tiềm năng đó. Những câu văn có sức gợi liên tưởng vô cùng, tùy thuộc vào vốn sống, sự từng trải và quan tâm của người đọc.
Xuống đến đồng bằng, dòng sông uốn lượn qua nhiều khúc quanh để đến gặp thành phố. Từ chùa Thiên Mụ, dòng sông đã tìm đúng hướng về" 'Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non". Tác giả hình dung đó là những chuyển động "uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó". Không những đặc tả các đường uốn lượn, tác giả còn có quan sát và cách diễn đạt thú vị về màu sắc con sông. Sắc sông trở nên xanh thẳm khi đến chân núi Hòn Chén (tác giả dùng tên chữ là Ngọc Trản- nguyên nghĩa là Chén Ngọc), vùng đồi núi lô nhô và lăng tẩm tạo nên vẻ đẹp trầm mặc nhất cho con sông.
Dòng sông chảy qua Huế đi chậm "cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh". So sánh sự yên bình, "điệu chảy lặng lờ" của nó khi ngang qua thành phố với dòng chảy gấp gáp của sông Nê-va khi đi qua Lê-nin-grat (nay là Xanh Pê-tec-bua) nước Nga, liên tưởng đến triết lý của Heraclit "không thể tắm hai lần trong một dòng sông" là đoạn văn tài hoa, trí tuệ mà cũng rất hấp dẫn.
Cảnh quan thiên nhiên góp phần tạo nên những nền văn hóa đặc sắc. Dù tả cảnh quan dòng sông, tác giả luôn liên tưởng, mở rộng suy ngẫm về đặc trưng riêng của dòng sông Hương, quan sát không gian văn hóa hình thành quanh đôi bờ và dọc theo dòng sông. "Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.(...) toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya". Khoang thuyền, mái chèo khuya đều là những bản đàn trong Truyện Kiều bất hủ như một minh chứng hùng hồn cho vai trò văn hóa của sông Hương.
Trước khi giã từ thành phố để về lại với biển cả "nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoạt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh cổ xưa. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao (...) tôi gọi đấy là nỗi vấn vương cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu.". Rồi lại so sánh với nàng Kiều " Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó để nói một lời thề trước khi về biển cả."
Nhìn chung, cảnh quan sông Hương được nhìn ngắm từ góc nhìn văn hóa. Nhà văn suy ngẫm đầy chất trữ tình về không gian văn hóa trên hai bờ sông Hương. Uyên bác, lịch lãm, từng trải và tài hoa là những phẩm chất dễ thấy của tác giả trong phần này.
Sông Hương - mà cũng là Huế- đã có lịch sử của nó trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Không thể tác rời sông Hương với lịch sử dân tộc, càng không thể tách rời nó với Huế. Cảm hứng toát lên từ những câu văn tự sự tưởng như khô khan: "Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỉ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại."
Càng về cuối thời trung đại, trong các thế kỉ XVIII, XIX, Huế và sông Hương càng có mặt nhiều hơn trong các sự kiện lịch sử "long trời nở đất" và tiếp tục truyền thống ấy qua Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. "Thế kỉ mười tám, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ mười chín với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đây sông Hương đã đi vào thời đại cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển.".
Đến thời hiện đại, Huế và sông Hương đã có những hi sinh, mất mát đầy cống hiến cho lịch sử cách mạng dân tộc. Đến đây, dường như sông Hương tạm lùi vào hậu trường để Huế hiện ra trên tiền cảnh. Nhà văn trầm tư trên sự kiện lịch sử - cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, khi toàn miền nam từ Quảng Trị đến Nam Bộ, trong đó có Huế, đồng loạt nổi dậy đánh Mĩ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đó cho thấy sức mạnh cách mạng làm suy yếu kẻ thù, buộc chúng phải điều chỉnh chiến lược trên cả chiến trường và bàn hội nghị Paris. Nhưng mặt khác, trong cuộc chiến đấu ấy, Huế cũng chịu nhiều tổn thất:
"Cùng với niềm cổ vũ nồng nhiệt dành cho nó trong mùa xuân Mậu Thân, Huế đã nhận được những lời chia buồn sâu sắc nhất của thế giới về sự tàn phá mà đế quốc Mĩ đã chụp lên những di sản văn hóa của nó". Sự đánh giá tổn thất, hi sinh mà Huế gánh chiu được nhìn nhận từ cả hai phía. Chính người Mĩ đã lên án sức phá hoại tàn bạo đối với Huế do các trận bom của Mĩ. Nhưng thật xúc động là hình ảnh người Đại tướng: "đầu cúi xuống ngực, hai bàn tay chắp lại trong cử chỉ kính cẩn của người già mắt ngấn lệ" khi nói đến "cống hiến rất xứng đáng cho tổ quốc" của thành phố Huế. Không có chữ nào nói về mất mát, hi sinh nhưng "ngấn lệ"trong mắt "người già" đã nói lên tất cả.
Sông Hương, dòng sông của những sự kiện lịch sử hào hùng và dòng sông của cuộc sống hàng ngày. "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến dâng đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước.". Tại sao đang suy ngẫm về lịch sử, tác giả lại chuyển đột ngột sang hình ảnh sắc áo cưới của Huế rất xưa mà các cô dâu vẫn mặc? Có thể đoán rằng, nhà văn muốn nói đến s\k sống hiền hòa, dịu dàng vẫn là mạch sống chính của xứ Huế, của dòng sông Hương, khuôn mặt thực hiền hòa của dòng sông đôi khi ẩn giấu trong màn sương.
Sông Hương là suối nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Mỗi nhà nghệ sĩ đều có khám phá riêng về dòng sông, hay như cách nói của tác giả muốn nhấn mạnh tính chủ động của con sông như một sinh thể "dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ". Từ Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, đến thi ca cách mạng. Thi ca cùng với kiến trúc, âm nhạc, hội họa góp phần làm cho không gian văn hóa sông Hương thêm phong phú, giàu bản sắc.
Cùng học vui chúc các em học tốt!
Copyright © 2021 HOCTAP247