Đề bài: Phân tích hình ảnh ông Đồ trong bài thơ Ông Đồ
Ông cha ta đã từng có câu rằng:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm, đi trưa mặc lòng
Câu ca dao ấy quả thực đúng với tình cảnh của ông đồ trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Đình Liên. Hình ảnh của ông đồ cũng chính là hình ảnh của những người muôn năm cũ, thất thời, lỡ thế trong xã hội hiện đại.
Bài thơ mở đầu bằng bức tranh đẹp đẽ, tươi sáng thuở ông đồ con được người ta yêu quý, trọng vọng. Sự xuất hiện của ông đồ gắn liền với không khí hân hoan, đầm ấm của một năm mới:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Ông đồ chỉ xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong năm, ấy là khi năm cũ đã qua và một năm mới lại bắt đầu. Ông đồ bên góc phố nhỏ, nổi bật với mực tàu giấy đỏ, với sắc đào hồng thắm. Bên phố tuy đông người qua nhưng không hề bị nhạt nhòa, nhòe lẫn mà thực sự vô cùng nổi bật. Tài năng của ông được mọi người tấm tắc ngợi khen, công nhận:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Ông đồ được mọi người yêu quý, ngưỡng mộ, phố đông người ai cũng thuê ông viết. Trên nền cảnh đông vui, tấp nấp ấy, hình ảnh ông đồ hiện lên thật tươi vẻ, đẹp đẽ. Những nét chữ hào hoa, múa lượn trên nền đỏ của tấm giấy, hương thơm của trời đất của màu mực, giấy đỏ hòa quyện với nhau làm một. Hình ảnh so sánh “Như phượng múa rồng bay” đã nói lên hết tài năng của ông đồ. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển, như bay lên giữa không khí vui tươi của ngày tết đến, xuân về.
Khép lại bức tranh đầy vinh quang, đáng tự hào ấy, bức tranh thứ hai mở ra đầy bi thương, tiếc nuối. Thời vinh quang của ông đồ đa lùi vào quá vãng, mực tàu giấy đỏ đã không còn chỗ trong thời đại của bút máy, mực in, hình ảnh ông đồ hiện lên thật đáng thương, tội nghiệp:
Những mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài đường mưa bụi bay
Trong hai khổ thơ ba và bốn, chân dung ông đồ khi thất thế hiện lên chân thực và rõ nét nhất. Phố vẫn đông người qua, nhưng người thuê viết thì đã vắng. Trước đây họ tấm tắc ngợi khen bao nhiêu, thì nay họ hờ hững đi ngang qua bấy nhiêu. Hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn, khiến ta không khỏi xót thương. Ông đồ từ chỗ trung tâm bị đẩy ra ngoại vi, bị dồn đến sự cô đơn, lạc lõng đến tận cùng. Ông đồ sinh bất phùng thời, cuộc sống hiện đại nghiệt ngã khiến cho những nét đẹp truyền thống không còn giá trị, bị rẻ rúng. Ông đồ văn ngồi đấy, vẫn kiên gan bám trụ, nhưng càng cố gắng càng chỉ thêm đau lòng, bẽ bàng, tủi hổ.
Hình ảnh nhân hóa, “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” đã minh chứng cho chân lí “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” . Khung cảnh cũng nhuốm một màu bi thương, ảm đạm, những chiếc lá vàng rơi rụng, cùng với làn mưa phùn. Vẫn làn mùa xuân ấy, nhưng đâu còn cái náo nức, vui tươi, cả tâm cả cảnh đều nhuốm một màu xám lạnh, u buồn.
Ở khổ thơ cuối cùng, hình ảnh ông đồ không còn nữa, nhưng vạn vật vẫn tuần hoàn theo lịch chuyển của vũ trụ: “Năm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông đồ già đã trở thành lớp người thiên cổ, lớp người để người ta hoài niệm, nhớ đến. Câu hỏi cuối bài thật da diết, khắc khoải, hỏi đấy mà thực chẳng thể tìm nổi lời giải đáp…. Nỗi buồn mênh mang vì vậy mà cứ thế dàn trải ra mãi.
Bài thơ ngũ ngôn bình dị, ngôn từ giản dị, hình ảnh giàu ý nghĩa đã đem đến cho người đọc những xúc cảm chân thành về hình ảnh ông đồ. Ta thương cho số phận của những người sinh bất phùng thời, thương cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày một phai nhạt. Từ đó cũng đánh động đến con người hiện đại phải biết giữ gìn, phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Copyright © 2021 HOCTAP247