Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Ông đồ Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài: Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Bài làm

Vũ Đình Liên sinh năm 1913, là nhà thơ, nhà giáo từng giảng dạy tai Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông tham gia phong trào Thơ mới từ những ngày đầu; ông viết không nhiều nhưng bài thơ “Ông đồ" là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thơ mới. Viết bài “Ông đồ” , nhà thơ đã thể hiện niềm thương cảm chân thành đối với một lớp người tài - tình sinh bất phùng thời đang tàn tạ, đồng thời xót thương, tiếc nhớ những cảnh cũ người xưa... Thơ mới ngũ ngôn có một số bài thơ tuyệt tác: “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, ‘Viễn khách" của Xuân Diệu... và “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Hình ảnh ông đồ già hiện lên đầu bài thơ được miêu tả bằng một số nét rất đậm và đẹp, càng về sau, cuối bài thơ càng mờ dần, thấp thoáng, đầy ám ảnh. Ông đồ là hình ảnh thân thuộc của xã hội Việt Nam xưa. Những nhà nho, nếu không đỗ đạt cao và đi làm quan, thì thường dạy học, gọi là “Ông đồ" vừa dạy chữ Nho (chữ Hán) vừa truyền bá đạo ‘Thánh hiền". Cũng có một số ông đồ tài hoa, viết chữ đẹp mỗi dịp Tết đến lại bày giấy bút trên hè phố viết câu đối bày bán. Treo câu đối bằng chữ Nho viết bằng mực Tầu trên nền giấy đỏ trong dịp đón năm mới là một biểu hiện khá đẹp của nển văn hóa Việt Nam. Cuối thập kỉ 20 (1918), nhà nước bảo hộ bãi bỏ các khoa thi chữ Hán, các nhà nho, những ông đồ trở thành những kẻ sinh không gặp thời bị gạt ra ngoài lề xã hội và dần dần vắng bóng. Khi đó, ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" như Vũ Đình Liên đã nói. Tấm lòng của tác giả gửi gắm qua bài thơ là một sự cảm thương, xót thương sâu sắc rất chân thành.

Hai khổ thơ đầu là hình ảnh ông đồ xa xưa “vang bóng một thời”. Cùng với hoa đào nở đón xuân sang, ông đồ xuất hiện, sắc đào tươi thắm rực rỡ biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, của quê hương buổi xuân về. Ông đồ già với mực Tầu, giấy đỏ, với câu đối tết tượng trưng cho cái cổ kính, một nét đẹp của nền văn hóa dân tộc. Câu thơ như một lời kể rủ rỉ, thấm thìa, gợi ra cảnh vật và con người để chúng ta cùng tác giả nhìn thấy, cảm thấy:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già 

Bày mực Tầu giấy đỏ 

Bên phố đông người qua”

Các từ ngữ: “mỗi năm" và “lại thấy” vừa biểu hiện thời gian, vừa xác định sự vật, sự việc đã đi vào tiềm thức, đã trở thành một nếp sống đẹp của cộng đồng. Không thể thiếu ông đồ viết câu đối cũng như khồng thể không có câu đối Tết treo trong nhà để đón mừng năm mới.

Khổ thơ thứ hai ca ngợi cái tài hoa của ông đồ:

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài 

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Hạnh phúc nhất của ông đồ thuở ấy khồng chỉ ở chỗ đông khách “bao nhiêu người thuê viết” mà còn là ở sự ngợi khen, bình phẩm: ‘Tấm tắc ngợi khen tài”. ‘Tấm tắc” nghĩa là nói luôn miệng, thốt từ đáy lòng những lời khâm phục, ngợi ca. Câu đối phải hay về nội dung, về ý nghĩa, phải đẹp, sắc sảo về chữ viết mới có giá trị, mới được thiên hạ “tấm tắc ngợi khen tài”. Ông đồ trong bài thơ được ngợi ca là người có “hoa tay”, viết nên những chữ đẹp “như phượng múa rồng bay". Người có hoa tay được coi là dấu hiệu của tài hoa sành điệu. ‘Thảo” là viết tháu, viết nhanh, viết phóng bút. Chữ Hán là loại văn tự tượng hình, mỗi chữ thường có nhiều nét. Viết chữ Hán có viết được nét chữ sắc, hình vuông vắn thì mới đẹp. Ông đồ là một nhà nho có hoa tay, rất điêu luyện nên mới “thảo những nét - như phượng múa rồng bay". Ca ngợi văn hay, chữ đẹp, nhân dân ta có hai thành ngữ: ‘Văn nhả ngọc phun châu”, “chữ như rồng bay phượng múa”. Ông đồ viết câu đối rất đẹp, nét chữ sắc sảo, mềm mại, dòng chữ vuông vức, tung hoành nên mới được nhiều người ca ngợi như thế. Vũ Đình Liên đã nói lên tình cảm trân trọng và khâm phục đối với những ông đồ ngày xưa, kín đáo thể hiện niềm tự hào đối với một hình thức viết chữ, chơi chữ, treo câu đối tết của nhân dân ta. Một đất nước có nền văn hiến lâu đời mới có phong cách sống tốt đẹp như vậy.

Thời gian trôi qua, những mùa xuân cũng nối tiếp trôi qua. Xã hội đã có nhiều đổi thay. Có cảnh có người bị hiện thực phũ phàng định giá lại. Ông đồ dần dà bị rơi vào quên lãng. Hai khổ thơ 3, 4 đầy ám ảnh. Nhạc điệu ngũ ngôn buồn như mưa dầm rả rích canh khuya. Nghệ thuật dựng cảnh đối lập, song hành đã gợi lên bao xót thương thấm thía, bao xúc động đối với ông đồ già. Xưa kia “hoa tay thảo những nét - Như phượng múa rồng bay” thì nay “Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu”. Xưa kia mỗi độ xuân vể “hoa đào nở”, ông đồ “Bày mực tầu, giấy đỏ - Bên phố đông người qua thì nay vẫn ngồi cô độc giữa một đất trời tàn tạ, buồn thương "Lá vàng rơi trên giấy - Ngoài đường mưa bụi bay. Tứ thơ sâu sắc, hàm súc: đặt cái sinh sôi (hoa đào nở) bên cái lụi tàn (ông đồ già) đặt cái hoa tay, tài năng thư pháp "phượng múa rồng bay" bên cái bất hạnh “ người thuê viết nay đâu ?”. Và để cái cô độc "Ông đồ vẫn ngồi đấy" giữa cái tấp nập dửng dưng của nhân quần "qua đường không ai hay", nhà thơ đã gửi gắm bao nỗi bùi ngùi thương cảm

Xem thêm Soạn bài Ông đồ

Dàn ý Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ Ông đồ

Hai câu cuối trong khổ 4 cũng là hai câu thơ tuyệt cú. Cái hay của câu thơ là đã nói lên sự xót thương đối với một kiếp người tàn tạ, mãn chiều xế bóng. Nhà thơ mượn cảnh để nói người, lấy “lá vàng rơi" và bay” để nói lên số phận buồn thương của một lớp người bị gạt ra ngoài lề xã hội và dần dần vắng bóng:

“Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay. ”

“Lá vàng rơi” và “mưa bụi bay" trắng trời, ngập đầy trên giấy gợi tả: cảnh buồn, đời buồn, một không gian đất trời buồn mênh mông. Phải chăng hai câu thơ này còn mang hàm nghĩa: xót thương đời sống cộng đồng Việt một thời vong quốc nô “buồn không thắm”giữa một “trời mưa bụi bay" như có nhà nghiên cứu văn học đã nói.

Khổ thơ cuối là cả một nỗi buồn thương thấm sâu vào câu, chữ. Cảnh đấy mà người đâu: “Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa". Các từ ngữ: "thắm”, “không ai hay”, và “không thấy” như đưa dần ngưòi đọc vào cõi hư vô, bùi ngùi thương xót! Câu thơ cảm thán xoáy vào lòng người một tình thương vô hạn:

“Những nguời muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Thơ hay là lời hết mà ý vẫn còn. Vần thơ đã khơi gợi trong tâm hồn chúng ta nhiều trắc ẩn xót thương về hình bóng ông đồ già đáng thương khuất nẻo dương gian, xót thương một nền văn hóa lụi tàn. Người đã khuất bóng nhưng hồn thì bơ vơ! Hai câu kết như mở rộng cánh cửa hư vô đưa độc giả tiếp tục dõi tìm bóng dáng những người xưa “muôn năm cũ”.

Bài thơ "Ông đồ” là một bài thơ tuyệt bút. Ông đồ đã khuất nẻo dương gian, nhưng Vũ Đình Liên thì bất tử với “Ông đồ". Nhà thơ đã xây dựng và phát triển tứ thơ theo mạch thời gian. Hình tượng thơ được đặt trong thế song hành tương phản. Tấm lòng của tác giả đối với cảnh cũ người xưa rất chân thành, cảm động. Cái đã mất đi để lại cho nhà thơ và chúng ta nhiều trân trọng và xót thương. Bài thơ “Ông đồ” thấm đẫm một tinh thần nhân bản đáng quý.

Copyright © 2021 HOCTAP247