Ở bài viết này sẽ gửi đến bạn học bài văn mẫu phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên hay nhất, cùng với đó là cách lập dàn ý phân tích bài thơ Ông đồ. Cùng đi vào bài học ngay thôi!
B. Bài làm
1. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm, tác giả
- Giới thiệu chung về hình ảnh ông đồ
2. Thân bài
a) Luận điểm 1: Hình ảnh ông đồ thời kì đắc ý
b) Luận điểm 2: Hình ảnh ông đồ thời kì suy tàn
c) Luận điểm 3: Vấn đề mở rộng
3. Kết bài
- Khái quát lại hình ảnh ông đồ mà bạn nhận thấy
- Khái quát lại cảm nhận về tác giả Vũ Đình Liên mà bạn thấy được qua bài thơ
Nếu thơ của Xuân Diệu mang trong mình giọng điệu say đắm, rạo rực; thơ Hà Mặc Tử lại có chút gì đó điên loạn; Huy Cận có nỗi buồn ão não và thơ Vũ Đình Liên lại có chút giọng điệu hoài cổ về thời kì xưa cũ. Thấy rằng mỗi nhà thơ đều có giọng thơ, phong cách, nỗi niềm tâm tư khác nhau nên không thể nào đem ra cân đo đong đếm được thơ của vị này hơn vị kia nên chỉ có thể nói về ấn tượng riêng của người đọc kia nói đến về thơ của một nhà thơ nào đó. Nói đến Vũ Đình Liên người đọc nhớ đến nhà thơ có gia tài sáng tác không nhiều nhưng trong đó có tác phẩm mang lại giá trị cho nền văn học Việt Nam. Đó chính là bài thơ "Ông đồ"
Bài thơ "Ông đồ" được đăng trên tạp chí "Tinh hoa" năm 1936. Những năm trước khi ra đời bài thơ, nền văn hóa phương Tây dần xâm nhập vào nước ta, bởi vì thế mà nền văn hóa Hán học dần mất đi vị thế của mình. Những ông đồ viết chữ nho nay cũng chẳng còn vị thế như trước nữa, thậm chí là còn bị lãng quên đi. "Ông đồ" là một nhan đề đọc lên đủ để cho người ta thấy một nền văn hóa tinh thần của dân tộc ở trước mắt, bao nét đẹp của văn hóa đi theo ông đồ như vậy mà dẫn chìm vào dĩ vãng, một sự tiếc thương vô cùng cũng là lí do và mục đích khiến tác giả đã sáng tác nên bài thơ này.
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già"
Hoa đào tượng trưng cho mùa Tết đến, mỗi mùa Tết đến người ta lại thấy những ông đồ - những người thầy dạy chữ Nho bày ra những "tàu giấy đỏ" bên những con phố đông đúc người qua lại, viết nên những câu đối đỏ.
"Bày tàu mực giấy đỏ
Bên phố đông người qua"
Vào thời đắc ý, hay còn gọi là thời vàng son của ông đồ hình ảnh mực tàu, giấy đỏ cùng ông đồ được bày biện bên cạnh những con phố chẳng lấy gì là xa lạ, nó giống như một điều tất yếu mỗi khi Tết gần về. Như một sự tuần hoàn có chu kỳ của thời gian, dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những cánh hoa đào tươi khoe sắc thắm thì ông đồ xuất hiện. Thử hình dung một chút thôi, thời tiết gần Tết có chút se lạnh, bên góc đường đang nhộn nhịp với các gánh hàng mua bán hoa đào thì có nơi yên tĩnh đến lạ thường, những ông đồ tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chút thể hiện những nét chữ uyên bác. Nghĩ đến đây thôi cũng đủ thấy một bức tranh tươi vui và tràn ngập không khí Tết về. "Mỗi" hay "lại" đều giúp người đọc hiểu được cái nhịp điệu đều đặn ấy. Xuân đến, Tết về hình ảnh ông đồ và hoa đào song hành cùng với nhau để tạo thêm vẻ đẹp cho ngày Tết.
"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"
Ở thời kì này có biết bao lời khen, thán phục được giành cho ông đồ? Có lẽ chẳng đếm xuể. "Tấm tắc", "hoa tay", "phượng múa rồng bay", tất cả đều là những lời có cánh mang ý nghĩa tốt đẹp được trao cho vị ông đồ này. Những người thuê ông viết chữ không chỉ quý trọng nét chữ mà còn có một lòng kính trọng dành cho ông. Tài năng của ông đồ được phô diễn qua các câu đối đỏ, người thuê cũng nhận thực được phải là những người am hiểu về Hán học, hiểu biết chữ Nho thì mới có thể viết ra được những nét chữ tài hoa như vậy. Tác giả sử dụn phép tu từ so sánh "Như phượng múa rồng bay" để thể hiện cái lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng đến ông đồ. Qua đây ta cũng có thể thấy được sự trân trọng giá trị truyền thống xưa cũ của tác giả Vũ Đình Liên.
Thời này ông đông khách vô cùng, người thuê ông viết chữ đều thán phục những nét chữ phóng khoáng mà đầy ý nghĩa được tạo ra từ bàn tay của ông. Thấy được rằng cả người viết cùng người chơi chữ đều có mối đồng cảm sâu sắc với nhau, bởi vì họ đều là những người viết yêu và biết thưởng thức cái đẹp chăng?
Vạn vật đều có thời kì đỉnh cao và thời kì đi xuống, ông đồ cũng vậy, thời thế thay đổi ông đồ không còn được trọng vọng và ngưỡng mộ như trước nữa.
"Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu..."
Mọi thứ đều ảm đạm. Ông độ tự nhận thức được người thuê viết mỗi năm càng vắng đi nhưng ông vẫn thắc mắc những người thuê viết trước đây đã đâu mất rồi? Những người thuê ông viết chữ vẫn ở đó, họ vẫn sống một cuộc sống thường ngày nhưng nền văn hóa phương Tây đã dần thay đổi họ, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng vậy mà dần bị mai một. Vũ Đình Liên miêu tả khung cảnh vắng vẻ qua chính "mực tàu" và "giấy đỏ". Đến nay giấy đỏ buồn còn chẳng đủ thắm, người đến thuê chữ ít đi nên khiên cho mực đọng trong nghiên, mọi vật xung quanh trở nên "sầu" hơn bao giờ hết.
Biện pháp nhân hóa ví nhưng vật vô chi vô giác có cảm xúc giống như một con người thể hiện nên tâm trạng u uất của ông đồ, đồng thời cũng thể hiện sự xót xa, thương cảm của nhà thơ khi đứng trước thời thế này.
Tuy nền Hán học đã suy tàn nhưng:
"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay"
Mặc cho người thuê viết chữ đã thay đổi, ông đồ vẫn kiên trì ngồi đó, ngồi bên hè phố như bao mùa hoa đào trước đây. Nhưng tiếc rằng sự xuất hiện của ông không còn được mọi người mà cụ thể là người thuê ông viết chữ chú ý hay quan tâm như thời vàng son nữa. Cứ như vậy mà bóng dáng của ông đồ dần chìm bên đường, lặng lẽ bên phố mà chẳng ai biết ai hay. Lần này thực sự ông đồ đã bị quên lãng, thật vô tình.
"Lá vàng" thể hiện cho sự phai tàn, úa rụng. Mọi người nay đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức của họ, sự xuất hiện của ông đồ giống như người vô hình trong xã hội bấy giờ.
"Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Tết đến, hoa đào vẫn nở. Bên góc phố người bán người mua hoa vẫn tấp nập nhưng sao tác giả thấy trống vắng như vậy. Phải chăng vì ông đồ không còn ở đó nữa?
Đúng vậy, sau bao nỗ lực kiên trì ngồi bên góc phố đợi người viết thuê thì nay ông đồ không còn xuất hiện nữa. Đến đây ta thấy được sự vắng bóng của cả một giá trị tinh thần của dân tộc chứ không đơn giản là sự vắng bóng của một cá nhân là ông đồ. Những người mua năm trước nay đã thay đổi, họ bận thay đổi, thích nghi với nền văn hóa mới của phương Tây, họ không còn chỗ trống cho những sự tinh túy của nền văn hóa truyền thống nữa.
"Hồn ở đâu bây giờ?". Câu hỏi tu từ vang lên nhưng một tiếng thương xót của tác giả, bao cảm xúc hối tiếc, cảm thương đều được đọng lại ở cuối bài thơ.
Tác giả Vũ Đình Liên sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ để nhằm khác họa nên hình ảnh trái ngược của ông đồ ở hai thời kì là vàng son và ở thời kì thất thế. Những câu thơ năm chữ đã giúp cho nhà thơ bày tỏ được cảm xúc một cách dễ dàng hơn và sâu sắc hơn, thể hiện được cái sự hoài niệm về một giá trị tinh thần xưa cũ cùng với niềm cảm thương sâu sác của tác giả. Qua đây ta thấy được ở nhà thơ Vũ Đình Liên một lòng thương người, tấm lòng nhân ái và điều đặc biệt là luôn ân nghĩa thủy chung với giá trị văn hóa của dân tộc.
Xem thêm >>> Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ: Ông đồ
Cảm nhận bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên
Trên đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Ông đồ và lồng ghép trong đó bài phân tích nghệ thuật bài thơ Ông đồ mà muốn gửi đến các bạn học. Nếu thấy hay đừng quên like, share và mọi thắc mắc, hoặc ý kiến đóng góp về bài phân tích bài thơ ông đồ thì bạn hãy để phía bên dưới comment nhé!
Copyright © 2021 HOCTAP247