Trang chủ Lớp 8 Soạn văn Lớp 8 SGK Cũ Ông đồ Trình bày và phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ theo hai mốc thời gian: khi Nho học hưng thịnh và khi Nho học suy tàn

Trình bày và phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ theo hai mốc thời gian: khi Nho học hưng thịnh và khi Nho học suy tàn

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Trình bày và phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ theo hai mốc thời gian: khi Nho học hưng thịnh và khi Nho học suy tàn

Ông đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ hay, man mác âm điệu dân ca. Bài thơ gồm 5 khổ. Hai khổ thơ đầu cho thấy thời kì hưng thịnh, của ông đồ (được nhiều người ngưỡng mộ). Hai khổ thơ tiếp theo thể hiện hình ảnh ông đồ thời kì Nho học suy tàn (sự ngưỡng mộ không còn).

Hình ảnh “ông đồ già” hiện ra theo tiết “hoa đào nở”, theo mỗi mùa xuân như là một hình ảnh quen thuộc gắn với phong tục treo câu đối tết cưa mỗi gia đình Việt Nam xưa. Sản phẩm của ông đồ là những câu đối, những chữ chúc phúc, mừng xuân,... được viết trang trọng bằng “mực tàu giấy đỏ”. Nơi làm việc của ông không phải là những ngôi nhà sang trọng mà thường là trên hè phố, nơi có “đông người qua”. Chơi câu đối tết, thưởng lãm các chữ chúc phúc, mừng xuân là thú chơi tao nhã của văn hóa Việt và người viết cũng thể hiện tài nàng của mình qua những con chữ có thần, qua thần lực của chiếc bút lông. Ông đồ là trung tâm của mọi sự chú ý bởi tài nghệ của ông, bởi ông có “hoa tay” viết chữ đẹp: “Hoa tay thảo những nét - Như phượng múa rồng bay”. Số lượng khách hàng của ông rất đông đảo và tất thảy đều có tâm trạng vui mừng: “Bao nhiêu người thuê viết - Tấm tắc ngợi khen tài”. Viết chữ chúc phúc, mừng xuân hay viết câu đối tết đối với cha ông là một công việc cao thượng nhưng chỉ mang tính chất mùa vụ, thu nhập không phải là nhiều nhưng điều quan trọng là tất cả những chữ chúc phúc, mừng xuân hay câu đối tết ấy được viết ra ngay trước mắt người mua bằng tài nghệ của ông đồ mà về bản chất đó cũng là một công việc mang tính chất sáng tạo, sản phẩm của văn hóa tinh thần. Sự đồng cảm về vẻ đẹp của đôi câu đốì hay của những chữ chúc phúc, mừng xuân tạo ra niềm vui cho cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức.
 
Nhưng thời gian trôi đi và cuộc đời cũng thay đổi. Việc thưởng thức một vẻ đẹp nho nhã thanh tao, độc đáo cũng ít dần đi theo năm tháng khi Nho học đã suy tàn: “Nhưng mỗi năm mỗi vắng - Người thuê viết nay đâu?”. Sự thưa thớt được tính theo năm, theo một chu trình nghiệt ngã: “mỗi năm” - “mỗi vắng”. Người thuê viết cũng giảm đi theo năm tháng. Nỗi buồn này không chỉ xuất hiện ở ông đồ mà ngấm sâu vào cả giấy bút là những nguyên liệu để ông sáng tạo: “Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu”. Đây không chỉ là nỗi buồn vì việc cho chữ không phát triển, có thể cảm nhận được bằng trực quan, mà còn là nỗi buồn tê tái, buồn tới mức giấy “đỏ” không còn “thắm”, không rực rỡ khoe sắc khoe màu cùng Tết đến xuân sang nữa. Nỗi buồn ấy chuyển thành nỗi “sầu” đọng lại trong nghiên mực: “Mực đọng trong nghiên sầu”. Nỗi buồn này mang tính thời đại, nỗi buồn của giai đoạn giao thời khi mà thú vui tao nhã ấy không được chấp nhận. Người ta đã quên ông đồ nên mặc dù “ông đồ vẫn ngồi đấy” nhưng “Qua đường không ai hay”. Nỗi buồn của ông khiến cả đất trời cũng cám cảnh: “Lá vàng rơi trên giấy - Ngoài giời mưa bụi bay”.

Hình ảnh “Lá vàng rơi trên giấy” là một hình ảnh giàu tính tạo hình, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Lá vàng rơi trên giấy đỏ cũng báo hiệu thời khắc đau đớn, thời khắc cuối cùng của thú chơi tao nhã mang tính bình dân rộng rãi. Bởi lá vàng là lá đã chết, là lá không còn sức sống nữa, cũng giống như ông đồ và cái nghề viết chữ chúc phúc, mừng xuân, viết câu đối kia đã di vào thời điểm suy tàn, không cứu vãn được. Đất trời như cũng hiểu thấu nỗi buồn ấy theo cách riêng: “Ngoài giời mưa bụi bay”. Mưa bụi là mưa buồn, mưa gắn với nỗi lòng xót xa. Một nỗi buồn tê tái toát lên từ những câu thơ nhẹ nhàng, giàu tính nhạc. Đó là nỗi buồn sâu sắc mang tính bi kịch, là sự kết thúc của một lớp người, là dấu chấm hết của thời đại “ông đồ”.
 
Bài thơ đượm một nỗi buồn da diết qua sự đối lập giữa “nay” và “xưa” khi cảnh cũ vẫn còn (“Năm nay đào lại nở”) mà người xưa thì vắng bóng (“Không thấy ông đồ xưa”). Ông đồ đã vĩnh viễn thuộc về “Những người muôn năm cũ”, những người đã mãi mãi lùi vào quá khứ qua sự đối lập giữa hiện tại (“bây giờ”) với quá khứ (“muôn năm cũ”). Nỗi đau trào dâng như một tiếng nấc nghẹn ngào qua câu hỏi: Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?”.

Copyright © 2021 HOCTAP247