Giới thiệu đoạn trích: “Nỗi sầu oán của người cung nữ”

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Giới thiệu đoạn trích: “Nỗi sầu oán của người cung nữ” (Trích Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều)

Trong cung quế, lầu tần của các vua chúa phong kiến, biết bao cô gái trẻ trung, xinh đẹp đã phải chôn vùi tuổi xuân và nhan sắc. Họ đã sầu, đã oán. Nỗi sầu oán của người cung nữ đã động lòng nhiều thi nhân. Trong số những tác phẩm viết về cuộc đời thê thảm của người cung nữ, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều đã cất lên tiếng nói đồng cảm, mãnh liệt nhất và sâu sắc nhất.

Cung oán ngâm là khúc ngâm ai oán của người cung nữ tài sắc, trước được vua yêu nhưng chẳng bao lâu bị ruồng bỏ. Nàng xót xa cho thân mình và oán trách nhà vua phụ bạc.
 
“Nỗi sầu oán của người cung nữ” là trích đoạn từ câu 209 đến câu 244 của car khúc ngâm dài 356 câu thơ Nôm viết theo thể song thất lục bát. Đoạn trích gồm 9 khổ thơ (36 câu) diễn tả nỗi sầu muộn bi thiết, oán hờn cùng cực của người cung nữ.
 
Bốn khổ thơ đầu là cuộc sống tồi tàn của người cung nữ bên cạnh cảnh xa hoa, tráng lệ nơi cung cấm. “Trông người lại nghĩ đến ta” mà buồn, mà sầu, mà bi thảm.
 
Năm khổ sau diễn tả cuộc đầy ải kéo dài đối với người cung nữ khiến trong lòng nàng chồng chất những thất vọng nặng nề. Ngày đêm ngóng trông, chờ đợi khiến người cung nữ thốt ra những lời chua xót, oán hờn.
 
Qua đoạn trích, thân phận người cung nữ hiện lên hết sức bi thảm. Bị bỏ rơi nhưng đâu được buông tha, người cung nữ hết ngày lại đêm cứ phải đứng tủi ngồi sầu, khác khoải ngóng chờ vô vọng. Một mình một bóng âm thầm đơn chiếc suốt năm canh, chờ trăng lên mà chỉ thấy mưa đêm não nùng, phòng tiêu vốn thơm và ấm nhưng người cung nữ chỉ thấy “lạnh ngắt như đồng”. Đó là nỗi băng giá rét buốt toả ra từ lòng người. Hương đốt lên để căn phòng ấm áp, thơm tho vậy mà chỉ càng gây cho người cung nữ cảm giác vắng lặng, tịch mịch. Đèn khêu lên cốt đem lại ánh sáng vậy mà chỉ càng âm u tối tăm:

Lạnh lùng thay giấc cô miên!
Mùi hương tịch mịch, bóng đen thâm u.
 
Cái “tịch mịch, thâm u” kia đâu phải là cảm giác trực tiếp trước ngoại cảnh mà chính là. nỗi “thâm u, tịch mịch” của cõi lòng người cung nữ.
 
Càng buồn, càng sầu, người cung nữ càng khao khát hạnh phúc gối chăn đôi lứa, một nỗi khát khao bẽ bàng mà đầy nhân bản. Người cung nữ soi gương loan thấy gương loan phượng có đôi có lứa, đau đớn ngắm hai dải lụa buộc thắt lòng chung thuỷ (“gương loan bẻ nửa dải đồng xé đôi”). Con người đã hơn một lần được vua yêu ấy nhìn “ngấn Phượng liễn” (dấu hiệu của nhà vua), thấy “dâu dương xa” (xe của nhà vua do dê kéo) với nỗi cồn cào rất đời, rất người nhưng:
 
Ngấn Phượng liên chôn sâu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cá quanh co.
 
Càng sầu, càng buồn, càng khát khao bỏng rát mà thất vọng ê chề người cung nữ trở nên quằn quại, tức tối:
 
Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng.
 
Và hơn một lần nàng có ý định nổi loạn “muốn dứt tơ hồng” muốn “đạp tiêu phòng mà ra” bởi nàng ý thức được cách giết người âm thầm mà tàn nhẫn, không bằng gươm sắc (lưu cầu) mà bằng cách kéo dài cuộc đầy ải trong cảnh đơn chiếu mòn mỏi (Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa).
 
Qua lời thở than, oán trách, đay nghiến của người cung nữ, người đọc cảm nhận được bộ mặt của bọn vua chúa độc ác, tráo trở:
 
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
 
Chúng là nguyên nhân, là kẻ gây tội ác, kẻ gieo vào cõi lòng người cung nữ nỗi sầu, nỗi hận, nỗi căm hờn uất ức.
 
Với niềm đồng cảm sâu sắc, nhà thơ không chỉ cất lên những tiếng xót thương tê tái mà còn cảm thông và trân trọng những thèm khát ước vọng rất nhân bản của người cung nữ. Tất nhiên, yêu thương con người cũng có nghĩa là căm ghét những thế lực đày đoạ con người, đoạn trích còn cất lên tiếng nói phê phán gay gắt, quyết liệt đối với bọn vua chúa phong kiến tàn bạo, bất nhân. Đoạn trích vì thế mang giá trị nhân đạo cao cả, sâu sắc.
 
Nguyễn Gia Thiều không phải là người đầu tiên dùng thể song thất lục bát để viết khúc ngâm nhưng với Cung oán ngâm ông đã có công trong việc đưa thể thơ này đến chỗ có cách luật ổn định. Thể thơ này khiến cho tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng diễn tả thành công một cách tài tình tám trạng sầu oán réo rắt nhiều cung bậc của người cung nữ.
 
Nhạc điệu thơ chính là nhạc điệu của tâm hồn. Bên cạnh Việc sử dụng thể thơ song thất lục bát, đoạn trích đã đặt các từ ngữ quan trọng vào vị trí hiệp vần (Một mình đứng tủi, ngồi sầu / Đã than với nguyệt lại rầu với hoa) hoặc đặt trong vị trí đối xứng (Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng / Đêm năm canh tiếng lấng chuông rền),... từ đó tạo nên thứ nhạc điệu bi thiết của cỏi lòng cung nữ.
 
Không gian, thời gian, cảm giác được miêu tả rất tài tình. Thời gian đằng đẵng trôi trong không gian vắng lặng, cô quạnh. Cảm giác của người cung nữ trong bối cảnh ấy được miêu tả ở nhiều góc độ: Thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác... Tất cả cùng hướng tới khắc hoạ tâm trạng sầu oán, vì sầu oán mà màu sắc trở nên ảm đạm, ánh sáng trở nẻn âm u, hương thơm thì trầm uất...
 
Ngôn ngữ của đoạn trích được sử dụng rất điêu luyện, giàu hình ảnh, có sức gợi tả, gợi cảm lớn. Những từ Hán-Việt thường đặt cạnh những từ nôm na với dụng ý làm nổi bật sự tương phản đối lập giữa cuộc sống tồi tàn, lạnh lẽo với cảnh xa hoa, tráng lệ nơi cung cấm, đối lập thân phận thấp hèn cô độc với địa vị những kẻ cao sang, xa vời... (Trong cung quế âm thầm chiếc bóng/ Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng...). Chính vì thế mà tuy sử dụng nhiều từ Hán - Việt, nhiều điển tích điển cố,... đoạn thơ vẫn tạo được sự thấu hiếu, tiếng nói đồng vọng cảm thông của người đọc.
 
“Nỗi sầu oán của người cung nữ” là một đoạn trích đặc sắc trong một khúc ngâm đặc sắc. Giá trị của đoạn trích cũng như tác phẩm không chỉ ở tài năng nghệ thuật mà sâu xa hơn là ở tư tưởng nhân đạo, ở lòng yêu thương con người, ở chữ “tâm” của người cầm bút.

Copyright © 2021 HOCTAP247