Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trang 86 SGK Ngữ văn 10

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

 I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tác giả Đặng Trần Côn – hiện không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết sống vào khoảng thế kỉ XVIII. Quê tại làng Nhân Mục thường gọi là làng Mọc, huyện Thanh Trì, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đặng Trần Côn còn có nhiều tác phẩm, nổi tiếng hơn cả là Chinh phụ ngâm.  Ngoài Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn còn có mấy bài thơ vịnh tám cảnh đẹp ở Tiêu Tương (Tiêu Tương bát cảnh), và một số bài phú như Trương Hàn tư thuần lô (Trương Hàn nhớ rau thuần, cá vược), Trương Lương bố y (Trương Lương áo vải), Khấu môn thanh (Tiếng gõ cửa).

   Bản diễn Nôm (giới thiệu trong sách giáo khoa) tương truyền là của Đoàn Thị Điểm. Dịch giả Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), hiệu là Hồng Hà, người làng Giai Phạm xứ Kinh Bắc nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha là Đoàn Doãn Nghi, anh là Đoàn Doãn Luân, đều đậu hương cống, không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Đoàn Thị Điểm là một phụ nữ nhan sắc, tài hoa. Sáng tác tập thơ chữ Hán Truyền kì tân phả và bản dịch Chinh phụ ngâm bằng chữ Nôm. Đã từng làm nghề dạy học và trở thành nhà giáo phụ nữ đầu tiên thành đạt, học trò của bà rất đông, sau này có người đỗ đến đại khoa.

2. Ngâm khúc là thể loại thơ trữ tình trường thiên thuần tuý Việt Nam viết bằng thể thơ song thất lục bát với phương thức trữ tình dài hơi, sử dụng nhiều tiểu đối. Thể loại này phù hợp với việc bày tỏ tâm trạng, cảm xúc hồi tưởng, nhớ nhung, suy tư, sầu muộn, ai oán, xót thương của nhân vật trữ tình.

   Thể thơ song thất lục bát là thể thơ mỗi khổ gồm hai câu 7 chữ, một câu 6 chữ, một câu 8 chữ. Bốn câu dài ngắn khác nhau kết lại thành một khổ và luân phiên kéo dài bao nhiêu khổ cũng được trong một bài thơ. Hai câu thất ngắt nhịp cố định 3 / 4 (khác với câu thất ngôn Đường luật ngắt nhịp 4 / 3); câu 6 và câu 8 ngắt nhịp tự do. Có thể gieo vần bằng hoặc trắc, ở cuối câu hoặc lưng chừng câu.

   Chinh phụ ngâm là tác phẩm mở đầu, cũng là tác phẩm đặc sắc nhất của thể loại ngâm khúc, một thể loại trữ tình rất phát triển ở thế kỉ XVIII.

3. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tập trung khắc hoạ tình cảnh lẻ loi và nỗi nhớ thương da diết của người chinh phụ đối với chinh phu trong những ngày dài biền biệt xa cách; qua đó bộc lộ tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác giả.

II . SOẠN BÀI

Câu 1. Phân tích diễn biến tâm trạng của người chinh phụ và nghệ thuật khắc hoạ tâm trạng của tác giả (Những dấu hiệu cho thấy sự cô đơn; ngôn ngữ của người chinh phụ và giá trị biểu cảm của nó; các yếu tố ngoại cảnh có tương quan với tâm trạng người chỉnh phụ và ý nglũa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó...).

Hai khổ thơ đầu vẽ lên hình ảnh người chinh phụ lẻ loi ở mọi nơi, mọi lúc: lẻ loi trong căn phòng vắng, lẻ loi cả khi bước ra ngoài, lẻ loi ban ngày và lẻ loi, cỏ độc hơn trong cảnh đêm khuya. Người chinh phụ hết đứng lại ngồi, dạo quanh “hiên vắng”, “gieo” từng bước nặng nề, tấm rèm thưa hết buông xuống (rủ) lại cuộn lên (thác) nhiều lần, đặc biệt hình ảnh đối bóng với ngọn đèn trong căn phòng vắng đã cực tả cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Hai khổ thơ kết thúc bằng một câu cảm thán với hai hình ảnh: “hoa đèn'’ và “bóng người”.

“Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

   Hai khổ thơ; khổ ba và khổ bốn tiếp tục khắc hoạ diễn biến tâm trạng người chinh phụ. Tác giả xếp hai cảnh lẻ loi: ban đêm (Gà eo óc gáy  sương năm trống) và ban ngày (Hòa phất phơ rủ bóng bốn bên) cạnh nhau gợi cảnh lẻ loi, nỗi thất vọng triền miên, dằng dặc. Điểu đó càng được tô đậm hơn bằng hai hình ảnh so sánh. “Khắc chờ đằng đẵng như niên” và “mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”. Một so sánh với chiều dài thời gian và một so sánh với chiều rộng không gian. Hai từ láy “đằng đẵng”, “dằng dặc” càng như kéo dài, mở rộng nỗi cô đơn sầu muộn đến muôn trùng.

   Khổ thơ thứ tư diễn tả những gắng gượng của người chinh phụ mong thoát khỏi vòng vây cô đơn nhưng không thoát nổi (gượng đốt hương, gượng soi gương, gượng gảy khúc “sắt cầm”), nước mắt cứ đầm đìa. Những chữ “gượng” thật nặng nề, nghe thật xót xa, tội nghiệp.

   Bước sang khổ thơ thứ năm và khổ thơ thứ sáu, tác giả đặt nhân vật trữ tình trong không gian có ý nghĩa phóng dụ “gió đông”, “non yên”, “đường lên bằng tròi”... Tứ thơ toát ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp, vươn ra không gian bát ngát, “thăm thẳm”. Những vần thơ “mênh mông vô tận như khối sầu tựa ngàn xưa” (Đặng Thai Mai). Thần sắc đoạn thơ tập trung ở những từ láy “đằng đẵng”, “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha”, nỗi nhớ vì thế có chiều dài, độ cao, độ sâu, có một mỏi héo mòn, có vời vợi mênh mang, có lo lắng day dứt và có chà xát, cắt cứa đến đau đớn. Đoạn thơ diễn tả trực tiếp nội tâm nhân vật trữ tình. Cách điệp vần, điệp liên hoàn cộng hưởng với không gian và tâm trạng tạo âm hưởng lan toả triền miên, không dứt, nỗi buồn như ôm trùm cả vũ trụ khôn cùng...

   Hai câu cuối đoạn miêu tả cảnh cành cây ướt đẫm sương đêm, tiếng côn trùng rên rỉ phun lên từ ruột đất. Người chinh phụ lọt thỏm vào đêm. Cảnh sương tuyết gió mưa buốt giá đồng hành với nỗi buốt giá lạnh lẽo của lòng người.

Câu 2: Hãy cho biết vì sao người chinh phụ đau khổ?

   Đoạn trích diễn tả nỗi đau khổ tột đỉnh của người chinh phụ, đau khổ ở mọi nơi, mọi lúc, đau khổ trải ra trong không gian và dằng dặc theo thời gian. Nàng nhìn đâu cũng chỉ thấy tình cảnh lẻ loi của bản thân mình. Nỗi lạnh lẽo buốt giá từ cõi lòng người chinh phụ đã trùm lên ngoại cảnh, len lỏi vào các sự vật,... khiến nàng thốt lên những lời sầu tủi bi thiết. Nguyên nhân dẫn tới nỗi đau khổ của người chinh phụ thật dễ hiểu. Chồng nàng đi chinh chiến nơi chiến địa sa trường đã mấy mùa xuân bặt vô âm tín. Người chinh phụ đã phải chờ đợi... chờ đợi,...và chờ đợi đến héo mòn tuổi xuân, tưởng có lúc tuyệt vọng hoàn toàn. Người chinh phụ càng khao khát đoàn tụ, khao khát cuộc sống vợ chồng bao nhiêu lại càng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng bấy nhiêu. Đó là bi kịch khiến người chinh phụ đau khổ, bất hạnh.

   Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi đau khổ của người chinh phụ chính là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà vì nó vợ chồng nàng phải xa nhau, chồng “dãi thây trăm cho làm công một người” đã làm cho bao gia đình tan nát, bao tổ ấm trở nên lạnh lẽo. Bi kịch của người chinh phụ, vì thế là bi kịch có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa một cách mạnh mẽ, đồng thời qua đó cũng toát lên tiếng nói nhân đạo lớn lao của tác phẩm.

Câu 3. Xác định những câu thơ là lòi nói của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó

   Lời nói của người chinh phụ được thể hiện qua những câu thơ sau:

      - Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

-  Lòng này gửi gió đông có tiện

                                                           ... Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

   Việc đưa những lời trực tiếp đó làm cho lời văn trở nên sinh động hơn và góp phần làm nổi bật bi kịch tinh thần của người chinh phụ.

Câu 4: Đọc diễn cảm đoạn trích (nêu ngâm được càng tốt). Hãy nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát (có so sánh với các thể thơ mà anh (chị) biết.

   Thể thơ song thất lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta. Bản thân cách cấu tạo câu thơ và vần luật của nó cũng đã tạo nên một thứ nhạc điệu lên bổng xuống trầm một cách linh hoạt, có khả năng diễn tả tài tình những cung bậc khác nhau của tâm trạng con người, Phan Huy Thực cũng đã dịch Tì bà hành của Bạch Cư Dị sang thể thơ này. Nguyễn Du dùng thể thơ này để khóc cho “thập loại chúng sinh” trong Vận chiêu hổn...

   Chinh phụ ngâm là khúc ngâm dài (diễn tả mọi cung bậc của nỗi buồn triền miên ở người chinh phụ. Nguyên tác của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, theo thể đoản trường cú (câu ngắn, câu dài xen nhau). Người dịch giả tài hoa Đoàn Thị Điểm - với một nỗi cảm thông kì lạ với nỗi lòng người chinh phụ đã dịch tác phẩm của Đặng Trần Côn sang bản chữ Nôm với thể thơ song thất lục bát vô cùng đắc địa. Có thể nói, chính nội dung tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình và sự đồng cảm cao độ của người nghệ sĩ đã bắt gập thể thơ song thất lục bát như một định mệnh để rồi tất cả tiếng lòng sầu thương ai oán của người chinh phụ đã được tấu lên với giọng cao thấp, bổng trầm mà khó có thể thơ nào có thể diễn tả được như thế.

   Nếu khúc ngâm được viết bằng thể thơ khác thì chắc chắn hiệu quả biểu đạt sẽ không bằng thể song thất lục bát. Gần hơn cả với thể thơ này là thể thơ lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ này vì đó là một tiểu thuyết bằng thơ. Chinh phụ ngâm là một khúc ngâm có tính “độc diễn” tâm trạng. Nếu sử dụng thể thơ lục bát sẽ không tránh khỏi giọng đểu đều bằng phẳng. Thể song thất lục bát đã khắc phục được điều đó.

   Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ngoài nhạc điệu vốn có của thể thơ song thất lục bát, giọng sầu thương bi thiết còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị gợi tả nỗi buồn, tình cảnh lẻ loi; các từ láy cùng với biện pháp điệp từ ngữ, lối đối cũng góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên giọng điệu sầu bi ấy.

III. LUYỆN TẬP

   Hãy vận dụng những biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoan trích để viết một đoạn văn (hoặc thơ) ngắn miêu tả một nỗi nhớ hay niềm vui của bản thân anh (chị)

   Đoạn trích Tình cánh lẻ loi của người chinh phụ khắc họa tâm trạng buồn. Bài tập gợi mở cho người viết có thể khắc họa tâm trạng trong đoạn trích. Nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích có thể khái quát thành các ý cơ bản sau:

- Tả ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm

- Tả nội tâm qua ngoại hình

- Tả nội tâm qua hành động, cử chỉ, điệu bộ

   HS cần vận dụng các biện pháp nghệ thuật trên một cách linh hoạt. Nếu là tả tâm trạng vui thì tất cả đều phải ngược lại với tả tâm trạng buồn: ngoại cảnh sẽ tươi sáng, sinh động, tràn ngập màu sắc và ánh sáng, ngoại hình cũng như mọi cử chỉ, hành động phải tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, hoạt bát...

Copyright © 2021 HOCTAP247