Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân đã tái hiện lên rất nhiều khía cạnh, từ nhân vật Tràng, nhân vật Thị cho đến giá trị nhân đạo thông qua tác phẩm. Sau đây, .com xin gửi đến các bạn 5 cách mở bài khác nhau dựa trên những đề bài khác nhau khi tìm hiểu phân tích tác phẩm. Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
Mở bài số 1: Phân tích nhân vật Tràng
Chắc hẳn mỗi chúng ta khi nhắc tới nạn đói khủng khiếp năm 1945, ai cũng mường tượng được ra trong đầu những hình ảnh về số phận của những con người tiều tụy, xanh xao khi phải sống trong cái đói, phải đấu tranh để giành được miếng ăn. Họ là những mảnh đời vô cùng bất hạnh và cơ cực nhưng không vì hoàn cảnh mà giẫm đạp lên nhau, trong cái đói vẫn hiện lên những nét tính cách cao đẹp. Tiêu biểu cho những điều đẹp đẽ ấy là hình ảnh nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Anh cu Tràng được đặt trong hoàn cảnh éo le "nhặt vợ", từ đó mà bộc lộ những nét tính cách rất riêng.
Mở bài số 2: Phân tích nhân vật thị
Với mỗi một nhân vật trong các tác phẩm văn chương, dù tốt hay xấu thì họ cũng là đại diện cho một bộ phận những người có cùng những đặc điểm chung trong thời kì đó. Khi xây dựng hình ảnh nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân tuy đã lột tả thẳng thắn những nét xấu xí, đanh đá và chảnh chọe của thị nhưng ông cũng rất khéo léo khi gài gắm vào đó những chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của nhân vật này khi về làm vợ Tràng. Qua đó, nhà văn cho thấy những nét đẹp của người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, biết thay đổi để có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc.
Xem thêm Các bài soạn và phân tích Vợ nhặt
Mở bài số 3: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ
"Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào". Đúng như vậy, tình mẫu tử là một thứ tình cảm thiêng liêng bởi tấm lòng người mẹ dành cho con là vô bờ bến. Tấm lòng ấy càng có giá trị và ý nghĩa hơn khi dù ở trong hoàn cảnh nào thì mẹ vẫn luôn bao dung, rộng lượng với con của mình. Điều đó được thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Trong cái đó khủng khiếp năm 1945, khi bản thân mình còn không nuôi nổi huống chi là đèo bồng thì bà cụ Tứ vẫn dành cho con dâu những tình cảm đẹp đẽ và chân thành nhất. Bà không vì thị đi theo Tràng chỉ sau hai lần gặp mà rẻ rúm, khinh miệt thị. Cụ Tứ trong truyện là một nhân vật có sự thấu hiểu và tấm lòng rộng lượng, yêu thương con người.
Mở bài số 4: Phân tích tình huống truyện
Tình huống truyện là nút thắt để đẩy câu chuyện của các tác giả đến cao trào, cũng là cái để mở nút thắt cho diễn biến truyện. Ta đã từng thấy trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, nhân vật ông Hai được đặt vào tình huống phải nghe tin làng mình theo giặc, từ đó bộc lộ tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết của ông Hai. Kim Lân tiếp tục chứng minh nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bậc thầy của mình trong truyện ngắn Vợ nhặt, được viết lại bằng bản thảo cũ năm 1954. Tại đây, nhân vật Tràng được đặt vào tình huống "nhặt vợ" - một tình huống độc đáo, bi hài lẫn lộn. Đây quả thực là một tình huống rất hay, làm bật lên những ý nghĩa của tác phẩm.
Mở bài số 5: Phân tích cái tình người, tình yêu thương con người sâu sắc, cũng là giá trị nhân đạo của tác phẩm
Kim Lân là một nhà văn am hiểu sâu sắc, gắn bó với nông dân và nông thôn. Ông hầu như chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân với truyện ngắn nổi tiếng mang tên "Làng". Không chỉ vậy, nhà văn còn được biết đến với truyện ngắn Vợ nhặt. Đây là câu chuyện về bức tranh cuộc sống của người nông dân trong nạn đói kinh hoàng của cả dân tộc. Nếu truyện ngắn Làng chỉ khắc họa tình cảm sâu sắc của nhân vật ông Hai với làng của mình thì Vợ nhặt lại là một câu chuyện sâu sắc hơn, để lại những dư âm sâu lắng trong lòng người đọc trước tình người cao cả mà con người dành cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn nhất, đớn đau nhất. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm này.
Với 5 cách mở bài khác nhau tương ứng với các đề bài khác nhau của tác phẩm Vợ nhặt, hy vọng các bạn học sinh có thể chọn được một mở bài hay nhất cho bài làm của mình. Chúc các bạn học tốt!
Copyright © 2021 HOCTAP247