Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài là một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình văn 12. Tác phẩm tiêu biểu với số phận bi thảm và sức sống mạnh mẽ của Mị - nhân vật chính trong tác phẩm. Hy vọng với bài phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị thật chi tiết, bạn có thể hiểu và ôn tập tốt hơn ở tác phẩm này.
Phân tích về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị
Khi đọc Vợ chồng A Phủ ta cho phép tim mình rung lên theo tiếng thổn thức của Mị. Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm của Tô Hoài. Ông là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ 20, thuộc thế hệ vàng của văn chương hiện đại. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là bài ca về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị nói riêng và con người vùng núi nói chung trong việc chống lại áp bức, bóc lột.
Từ ngày bị bắt về làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí, gương mặt Mị chỉ toàn nước mắt. Gia đình Pá Tra chưa bao giờ xem Mị là một con người. Mị làm việc cạnh tàu ngựa, thui thủi không ngơi tay nào khác gì con trâu, con ngựa. Ngày nối ngày, Mị chỉ biết “quay tơ hái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, đi cõng nước”. Từ lâu, Mị đã chết, có chăng chỉ là tồn tại về mặt thể xác.
Mị đẹp, cô có tài thổi sáo và đã từng vui chơi như tất cả mọi người. Mị đã từng phản đối khi nghe tin Pá Tra muốn cưới cô về làm dâu gạt nợ. “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Mị yêu tự do, cô sẵn sàng trả bằng mọi giá để được tự do bên bố, bên gia đình, được yêu, được ca hát...
Xem thêm:
Phân tích nhân vật Mị hay nhất có dàn ý
Văn mẫu phân tích vợ chồng A Phủ chi tiết
Mị đã có ý thức hẳn hoi về cuộc sống, đối với Mị tự do là điều quý nhất. Nhưng Mị bị A Sử bắt. “Có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”. Mị cầm nắm lá ngón về lạy cha để xin được chết. Nhưng Mị không thể chết vì Mị phải sống để trả món nợ truyền kiếp của cha mẹ. Cô không thể chết nên phải cam chịu làm tảng đá vô tri, làm kiếp ngựa, kiếp con rùa thui thủi xó cửa nhà giàu.
“Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ”. Còn Mị thì chưa bao giờ được nghỉ ngơi. “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Sự đọa đày đã giết chết đi tâm hồn của Mị. Mị chỉ biết làm việc mà thôi. Mị hoạt động chỉ bằng bản năng còn đời sống tâm hồn đã tắt ngấm buồn vui.
Truyện có hai chi tiết rất đắt: trước tiên là tiếng sáo đêm xuân. Mị chợt nhớ đến ngày trước “Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân Mị uống rượu bên bếp lửa và Mị thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê mẩn ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Và lần đầu tiên Mị ước “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”. Khi con người ta muốn chết, tức là người ta đang tha thiết yêu cuộc sống nhưng cũng bất lực nhiều với cuộc sống đó.
Mị quyết định cởi trói và chạy theo A Phủ
Và bất giác “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng”. Mị muốn đi chơi, Mị “ngồi xuống giường trông ra cái ô cửa sổ mờ mờ trăng trắng”. Ô cửa sổ trong tác phẩm này là một hình ảnh nghệ thuật mang tính gợi. Nó mờ tối như cuộc đời của Mị vậy. Hôm nay, tiếng sáo luồn qua khung cửa đã làm cho Mị nhớ về quá khứ, nhớ rằng Mị từng rất vui tươi và hạnh phúc, nhớ rằng Mị cũng được yêu và đang yêu. Lúc này đây, sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị đã trỗi dậy, nó đánh thức cô bước ra khỏi hình ảnh của một cong người vô thức.
Thế nhưng, A Sử lại một lần nữa lấy đi mất sức sống mong manh vừa sống lại trong Mị, dang tay đẩy Mị trở về số kiếp con rùa, con ngựa. A Sử trói Mị tàn ác và vô nhân, nhưng Mị bất chấp tất cả, Mị không sợ, Mị đang sống với hạnh phúc kỉ niệm, đang thả trôi mình theo tiếng sáo. Thế nhưng sự tàn ác và bạo hành đã kéo Mị về với thực tại, Mị trở về kiếp lùi lũi như con rùa con ngựa.
Thoạt tiên lúc thấy A Phủ, Mị nhìn. Một cái nhìn hờ hững không một chút cảm xúc. Cảnh nhà này trói người là chuyện thường. Nhưng đến một đêm, ánh lửa “bập bùng sáng lên” chính ánh lửa ấy đã buộc Mị “lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Và cũng như tiếng sáo, dòng nước mắt đau khổ của một con người đau khổ đã gợi nhắc và đưa Mị trở về quá khứ khổ đau ngày nào. Nhìn A Phủ đứng đấy như một xác chết, thấy A Sử bị trói sắp chết, bất giác Mị lại nhớ đến mình. Mị nhớ đến hôm ấy mình cũng đã chịu trói như thế.
Xem thêm:
Giá trị nhân đạo trong vợ chồng A Phủ
Hoàn cảnh sáng tác vợ chồng A Phủ
Và từ thương bản thân Mị nghĩ đến người, nghĩ đến người đàn bà đã bị chết trói, nghĩ đến A Phủ Mị căm hận lũ người vô lương. Cái thương, cái căm giận, cái phẫn nộ ấy khác nào như nguồn hơi bơm vào một quả bóng đã căng. Không! Mị nhủ A Phủ “không lí do gì phải chết”.
Mị hành động không hề tính toán. Ngay sau khi cởi trói cho A Phủ, “Mị cũng hốt hoảng”. Hành động đó chứng tỏ Mị vẫn còn muốn sống và khao khát được sống. Có người cho rằng đây là một hành động bộc phát vô ý thức. Thực chất đây là một hành động xuất phát từ một quá trình vận động tâm lý có ý thức, hành động đã trải qua nhiều suy nghĩ và lựa chọn trong vô thức.
Giữa màn đêm u tối, Mị lao theo A Phủ. Bởi “ở đây thì chết mất.” Mị chạy theo A Phủ chạy trốn để giải thoát cho chính mình, để tìm một vùng đất mới, để sống với hạnh phúc, được làm con người. Và họ đã biết rằng phải dựa vào nhau để sống.
Kết thúc đoạn trích là cảnh A Phủ dìu Mị lao xuống dốc. Chắc hẳn người đọc cũng sẽ tin chắc rằng A Phủ và Mị sẽ được sống yên lành và hạnh phúc. Bởi lẽ với sức sống mãnh liệt với niềm yêu cuộc sống đến thế thì không thể nào họ (mà đặc biệt là Mị) lại có thể không tìm được cuộc sống đích thực như ý muốn. Và không những chỉ có Mị mà bất kì một ai khác đều yêu tin vào cuộc sống thì sớm hay muộn trái ngọt hạnh phúc cũng đến với tay họ, dù hôm nay đang chịu nhiều đau khổ, nhọc nhằn. “Hạnh phúc là một sự đợi chờ” (J.Rútxô).
Xem thêm:
Dàn ý chi tiết phân tích tác phẩm vợ chồng A Phủ
Soạn vợ chồng A Phủ ngắn gọn, chi tiết, mới nhất
Trên đây là bài phân tích chi tiết sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị mà CungHocVui muốn chia sẻ đến bạn. Đó là một sức sống tiềm tàng và mãnh liệt, dù có bị vùi lấp thì nó vẫn luôn ở đó, vẫn chực chờ sống dậy để đấu tranh và đưa Mị thoát ra khỏi những áp bức. Hy vọng bài phân tích trên có ích cho bạn.
Copyright © 2021 HOCTAP247