Trang chủ Lớp 10 Soạn văn Lớp 10 SGK Cũ Đại cáo bình Ngô - Tác phẩm Phân tích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi - Văn hay 10

Phân tích Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi - Văn hay 10

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Với tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, xin gửi đến các bạn phần Phân tích Bình Ngô đại cáo, cụ thể là Phân tích đoạn 1 Bình Ngô Đại Cáo hay nhất ngay sau đây!

Bài làm

   Từ xưa cho đến nay, ngoài bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố cho nền độc lập, cho chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta thì còn có hai áng thiên cổ hùng văn khác cũng được coi như là hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ trong lịch sử. Đó là Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ở mỗi một thời đại với những hoàn cảnh khác nhau, những cái nhìn khác nhau, song ta thấy ở mỗi một bản tuyên ngôn những giá trị về tư tưởng vô cùng tiến bộ và đúng đắn. Nếu như tác phẩm Nam quốc sơn hà đã khẳng định chắc chắn về chủ quyền lãnh thổ, bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh cho thấy quyền con người lớn lao thì Bình Ngô đại cáo lại là một khía cạnh khác. Đó là tư tưởng phải chăm lo cho muôn dân, yêu dân và dẹp trừ bạo loạn, để cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua đoạn 1 của tác phẩm.

phân tích bình ngô đại cáo

Xem thêm Tư tưởng nhân nghĩa ở Bình Ngô đại cáo

Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo

Soạn bài Bình Ngô đại cáo

   Sau khi nước ta giành được thắng lợi qua cuộc chiến chống quân Minh, vua Lê Lợi đã lệnh cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Năm 1428, bài cáo này đã được công bố đến toàn thể nhân dân. Bình Ngô đại cáo đã thuật lại và tổng kết lại quá trình đánh đuổi quân Minh khỏi bờ cõi của nhân dân ta, cho thấy chiến thắng vang dội cùng lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền của dân tộc. Tác phẩm được viết bằng thể cáo, là một thể văn nghị luận có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhà vua ban bố nó để cho toàn thể nhân dân mà mọi người trong đất nước được biết. Bình Ngô đại cáo gồm có ba phần với sự liên kết chặt chẽ với nhau. Phần một thể hiện tư tưởng của tác giả, đó là tư tưởng nhân nghĩa. Đến phần thứ hai, Nguyễn Trãi đã vạch trần những tội ác của giặc Minh xâm lược và phần cuối cùng chính là sự thuật lại những trận đánh, những chiến công trong cuộc chiến của quân dân ta. Cả bài cáo thể hiện lên lòng tự hào dân tộc sâu sắc cùng với lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hùng hồn mà không kẻ địch nào có quyền được xâm phạm tới. Ta đặc biệt chú trọng đến tư tưởng nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đã nêu ra trong đoạn 1 của tác phẩm này.

   Xưa kia, trong xã hội phong kiến, tư tưởng Nho giáo là một hệ tư tưởng gắn chặt với nhân dân. Và Nguyễn Trãi cũng không ngoại lệ. Bài cáo mở đầu bằng một tư tưởng nhân nghĩa có nguồn gốc từ Nho giáo:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Trước hết, ta cần phải hiểu được nhân nghĩa là gì? Nhân là người, nghĩa là việc nghĩa. Nhân nghĩa là một tư tưởng, là những hành động phải đứng về phía lẽ phải, vì quyền và lợi ích của con người, bảo vệ cho lợi ích của con người. Nguyễn Trãi coi nhân nghĩa chính là một tư tưởng đầu tiên cần phải có để trị vì đất nước. Để đất nước được phát triển thịnh vượng, không có bóng giặc ngoại xâm, đời sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc thì người đứng đầu đất nước là nhà vua phải có trách nhiệm yêu dân, thương dân như con, luôn đặt lợi ích của con dân nước mình lên hàng đầu. Tuy nhiên, chỉ yêu dân và thương dân thôi là chưa đủ, bậc đế vương còn phải biết “trừ bạo”. Bạo ở đây chính là bạo loạn, là bọn giặc Minh sang xâm lược nước ta. Cái ác đang hiện hữu trước mắt và người đứng đầu đất nước phải có trách nhiệm dẹp trừ, tiêu diệt nó, đấu tranh cho độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Từ tình yêu thương, lo nghĩ cho nhân dân hình thành tư tưởng, thành hành động chống lại kẻ thù xâm lược. Đây cũng chính là lí do và giá trị cốt lõi làm nên thành công của cuộc chiến chống giặc Minh của vua Lê Lợi.

   Để chứng minh cho tư tưởng của mình, Nguyễn Trãi đã nêu ra những dẫn chứng trong lịch sử:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có".

Nước Đại Việt ta trước kia đã xưng nền độc lập khắp bốn phương, ta có nền văn hiến từ ngàn xưa, có sự phân chia rõ ràng, rành mạch về địa lí, về lãnh thổ đối với các quốc gia khác. Ta cũng có những nền văn hóa riêng biệt ở Bắc và Nam. Như các triều đại đi trước, từ thời nhà “Triệu, Đinh, Lí, Trần” đều đã xây dựng được nền độc lập. Không những vậy, Nguyễn Trãi còn lấy ví dụ về các triều đại ở Trung Quốc: “Hán, Đường, Tống, Nguyên” đã từng xưng đế một phương. Qua các triều đại trong lịch sử với nền độc lập, chủ quyền mà họ đã xây dựng thì đều là những chứng cứ không thể chối cãi được. Tầm nhìn sâu rộng của Nguyễn Trãi được thể hiện ở chỗ, ông không chỉ lấy ví dụ về các triều đại trong nước mà còn lấy chứng cứ từ Trung Quốc, nhằm tăng thêm tính đúng đắn của lập luận này. Mỗi một thời kì đều có những nhân tài, những vị anh hùng kiệt xuất:

“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có”

Nguyễn Trãi khẳng định rằng hào kiệt của đất nước không bao giờ thiếu, bởi mỗi thời đại đều sản sinh ra nhiều người tài giỏi cống hiến cho đất nước. Họ đã làm cho những kẻ thù phải chịu những sự thất bại, nhục nhã:

"Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,

Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Việc xưa xem xét,

Chứng cớ còn ghi".

Hàng loạt những cái tên được nêu ra: “Lưu Cung, Triệu Tiết, Cửa Hàm, Ô Mã” đều là những kẻ địch ham danh, hám lợi đi xâm lấn nước khác. Kết cục mà chúng phải chịu là vô cùng đớn đau. Nguyễn Trãi đã sử dụng một loạt các động từ mạnh như “bắt sống”, “giết tươi” cho thấy thái độ quả quyết, không khoan nhượng trước những thế lực thù địch. Một khi chúng đã dám sang xâm lược và làm tổn hại đến lợi ích, đến đời sống của nhân dân, đến nền độc lập của đất nước thì chúng sẽ phải chịu hậu quả khôn lường. Hai câu thơ cuối đoạn một là lời khẳng định chắc nịch của tác giả:

“Việc xưa xem xét,

Chứng cớ còn ghi”

Tác giả kết lại tư tưởng "nhân nghĩa" của mình bằng một lời khẳng định “Chứng cớ còn ghi”. Đây là thực tế lịch sử không thể chối cãi được, không thể phủ nhận được. Những triều đại đi trước đã có những chiến công lẫy lừng, đã giành lấy nền tự chủ thì cớ gì ta lại không làm được, huống hồ vị vua Lê Lợi là một người vô cùng anh minh, sáng suốt và lo cho cuộc sống của nhân dân. Cũng có thể cho rằng đây là lời kết lại của luận điểm đầu tiên, để tác giả vạch trần những tội ác của giặc Minh ở phần sau.

   Với những lập luận sắc bén, logic, có chứng cứ rõ ràng, rành mạch, Nguyễn Trãi đã làm nổi bật lên tư tưởng chủ đạo của đoạn một. Đó chính là “tư tưởng nhân nghĩa”, phải yêu thương nhân dân, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân và dẹp trừ bạo loạn đang tồn tại lúc bấy giờ. Ta thấy được ở tác giả một tấm lòng chăm lo đến người dân sâu sắc, một trợ thủ đắc lực, tư duy hơn người, phò tá cho đế vương.

   Nguyễn Trãi là một trong những tác giả lớn của nền văn học Việt Nam xưa kia, điều đó được thể hiện rất rõ qua tác phẩm này. Bình Ngô đại cáo cho đến nay vẫn là một bản tuyên ngôn độc lập mạnh mẽ, hùng hồn mỗi khi nhắc lại.

Thông qua phần Phân tích Bình Ngô đại cáo, cụ thể là Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo, hy vọng các bạn học sinh sẽ hiểu và nắm được bài Bình Ngô đại cáo được rõ nét nhất. Chúc các bạn học tập tốt!

 

 

 

Copyright © 2021 HOCTAP247